Tổng thống Trump: Hai tuần, năm quan điểm khác nhau về Syria

Tổng thống Trump dường như vẫn chưa có một chiến lược cụ thể đối với Syria. Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump dường như vẫn chưa có một chiến lược cụ thể đối với Syria. Ảnh: Reuters
TPO - Những phát ngôn của chính quyền Trump được cho là khá “tiền hậu bất nhất” khi Tổng thống Mỹ từng khẳng định không muốn can thiệp vào cuộc nội chiến của Syria, nhưng lại bất ngờ phóng tên lửa nhằm đe dọa Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau cáo buộc ông này chỉ đạo tấn công vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Quan điểm 1: Ông Assad có thể tại vị (duy trì từ năm 2013 đến ngày 30/3/2017)

Trong suốt nhiều năm, với tư cách là một doanh nhân và ứng viên Tổng thống Mỹ, Donald Trump từng bày tỏ trên Twitter rằng ông cảm thấy không có vấn đề gì với việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad nắm quyền Tổng thống Syria.

Ông Trump cũng nhận định Mỹ không nên tham gia vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông, đặc biệt là đối đầu với Tổng thống Assad - một nhà lãnh đạo được Nga ủng hộ.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông Trump chia sẻ trên tờ Wall Street Journal rằng “Mỹ và Syria có kẻ thù chung là IS”. Ngay sau đó, Tổng thống Assad đã gọi Trump là “đồng minh”.

Quan điểm này của ông Trump tiếp tục được đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nhấn mạnh hôm 30/3: “Mỹ sẽ hết sức cẩn trọng trong các động thái của mình mặc dù chính quyền ông Assad bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Chúng tôi sẽ không tập trung vào việc lật bỏ ông Assad.”

Quan điểm 2: Ông Assad phải bị phế truất (ngày 5 và 6/4)

Hôm 4/4, một cuộc tấn công hóa học gây chấn động đã xảy ra tại Syria khiến hơn 80 người thiệt mạng. Lúc này, chính quyền Tổng thống Trump lập tức thay đổi quan điểm vừa nêu trước đó 5 ngày và lên tiếng cáo buộc Tổng thống Assad là người chỉ đạo cuộc tấn công vô nhân đạo này.

Tổng thống Trump công khai thể hiện sự tức giận của mình trước những hình ảnh tang thương tại Syria và nói rằng Tổng thống Assad “đã vượt quá giới hạn”. Để trừng phạt ông Assad, chính quyền Trump lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Tổng thống Trump đã thay đổi quan điểm của mình về ông Assad.

“Vai trò của Assad ở Syria trong tương lai khá mù mờ. Với những gì mà ông đã làm, có vẻ như Assad không còn xứng đáng với vị trí người cai trị Syria”, Tillerson nói.

Tối 6/4, Trump hạ lệnh cho quân đội Mỹ phóng 59 tên lửa Tomahawk nhằm vào căn cứ quân sự ở Syria.

Quan điểm 3: Vấn đề nằm ở vũ khí hóa học, không phải ông Assad (ngày 6 đến 10/4)

Nhiều giờ sau cuộc không kích Syria, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster đã định nghĩa hành động của Mỹ là “nhằm mục đích ngăn chặn sự hoành hành của vũ khí hóa học” và không đề cập đến việc chính quyền Tổng thống Trump sẽ tập trung hạ bệ ông Assad.

McMaster nhấn mạnh cuộc tấn công không làm ảnh hưởng đến sự cai trị của Assad mà sẽ tác động đến chính sách sử dụng vũ khí hóa học của vị Tổng thống này.

Hôm 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự rằng: “Chính phủ Syria nên ngừng sử dụng vũ khí hóa học.”

Quan điểm 4: Tập trung tấn công IS, ông Assad tính sau (ngày 9/4)

Trong chương trình “Face the Nation” phát sóng hôm 9/4 của đài CBS, khi được hỏi rằng lật đổ Tổng thống Assad có phải một ưu tiên hay không, ông Tillerson nói: “Tôi nghĩ tổng thống đã nói khá rõ ràng. Trước tiên và trên hết, chúng ta phải đánh bại IS”.

Ngoại trưởng Mỹ không hề nhắc đến việc sẽ Tổng thống Assad phải bị lật đổ, mà chỉ nói chung chung rằng cộng đồng quốc tế sẽ “quyết định số phận của ông Basha al-Assad”.

Hơn thế nữa, Rex Tillerson cũng ngụ ý rằng việc lật đổ ông Assad sẽ tạo nên một “thảm họa” và khiến “Syria khó có thể ổn định lâu dài”.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại có những phát biểu trái ngược với Ngoại trưởng Mỹ.

Bà Haley nói rằng, thay đổi chế độ ở Syria là không thể tránh khỏi, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ cáo buộc là do chính phủ Syria gây ra.

Việc loại bỏ ông Assad là ưu tiên của Mỹ hiện nay. “Nếu các bạn nhìn vào những hành động của ông Assad, nếu các bạn nhìn vào tình hình hiện nay, sẽ rất khó thấy một chính phủ hòa bình và ổn định khi có ông ấy”, bà Haley nói.

Khi được hỏi về việc tại sao chính phủ Mỹ chỉ phản ứng với việc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria mà im lặng trước những cuộc tấn công bằng bom, bà Haley nói: “Việc đó phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Trump.”

Quan điểm 5: Mỹ sẽ có phản ứng quân sự với hành động tấn công bằng bom (ngày 10/4)

Sean Spicer – Thư ký báo chí Nhà trắng hôm 10/4 ngụ ý rằng Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định giống với điều mà bà Haley ám chỉ trước đó. Có nghĩa là Mỹ sẽ trừng phạt Syria cả vì sử dụng bom thùng chứ không chỉ vũ khí hóa học.

Tuyên bố của Spicer ngụ ý về sự can thiệp sâu hơn của quân đội Mỹ ở Syria, và trái ngược với tuyên bố trước đó về việc Mỹ chỉ muốn trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hóa học.

Spicer, sau khi vấp phải không ít chỉ trích vì tuyên bố trên, đã nói rằng loại bom mà ông nhắc tới là bom thùng chứa clo hoặc các hóa chất khác.

Vài giờ sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đưa ra tuyên bố nhằm một lần nữa xác định mục tiêu quân sự của ông Trump: “Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo cuộc không kích để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.

Nước Mỹ sẽ không đứng yên trong khi ông Assad sử dụng vũ khí hóa học bị cấm bởi luật pháp quốc tế.” Trong tuyên bố này, Mattis không đề cập đến bom thùng.

Việc truyền đi những thông điệp khác nhau liên quan đến vấn đề Syria cho thấy Tổng thống Trump vẫn chưa có một chiến lược cụ thể đối với đất nước Trung Đông này.

Tờ The Guardian thậm chí còn đưa ra dự đoán rằng một chính sách khác, tức chính sách thứ 6 có thể sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra trong cuộc hội đàm tại Moscow (Nga).

Theo Theo The Guardian
MỚI - NÓNG
Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đến bao giờ?
Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đến bao giờ?
TPO - Hôm nay (27/7), miền Bắc tiếp tục có nắng nóng gay gắt. Dự báo chiều tối nay, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa dông giải nhiệt. Từ ngày mai, nắng nóng hạ nhiệt ở miền Bắc. Miền Trung tiếp tục nắng nóng kéo dài. Tây Nguyên, Nam Bộ mưa dông vào chiều tối.
Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM: Hối hả chạy đua tiến độ
Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM: Hối hả chạy đua tiến độ
TP - Sau 13 lần lỡ hẹn, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội vừa cho biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai các công việc cuối cùng để hoàn thành và đưa vào vận hành đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) trong tháng 7/2024. Cùng với đó, tuyến metro số 1 của TP HCM cũng “chạy nước rút” để kịp vận hành.