Vì sao Nga nhất quyết bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al - Assad?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục tại vị sau hơn 6 năm nội chiến đẫm máu. Ảnh: Huffington Post
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục tại vị sau hơn 6 năm nội chiến đẫm máu. Ảnh: Huffington Post
TPO - Nguồn gốc quan hệ của Nga với Syria bắt đầu vài chục năm trước, từ khi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên nắm quyền năm 1970.

Giới chức Nga phản ứng đầy giận dữ trước cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ nhằm vào một căn cứ không quân của Syria vào tuần trước và tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Syria Bashal al-Assad, khiến quan hệ Nga – Mỹ trở nên căng thẳng.

Nga gọi vụ Mỹ nã 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrats là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, nên ngay sau đó đã dừng thực hiện thỏa thuận Nga – Mỹ về phối hợp tránh va chạm trên không ở Syria.

Cuối tuần qua, Nga đưa một chiến hạm đến căn cứ không quân của họ trên bờ biển Syria. Giới quan sát cho rằng động thái này của Nga là nhằm vào Mỹ.

Đợt tấn công của Mỹ vừa qua được đánh giá là một trong những phép thử lớn nhất đối với quan hệ của Nga với Syria kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra. Vụ tấn công cũng cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng hậu thuẫn ông Assad đến mức nào.

Nguồn gốc quan hệ của Nga với Syria bắt đầu vài chục năm trước, từ khi bố của ông Assad là ông Hafez Assad lên nắm quyền năm 1970.

Là một cựu sĩ quan không quân từng có thời gian học lái máy bay chiến đấu MiG ở Liên Xô, ông Hafez sau đó nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Kremlin.

Ông Hafez cũng lập nên mô hình nhà nước áp dụng các công thức của Liên Xô, bao gồm mạng lưới tình báo và cảnh sát mật hùng mạnh.

Ý nghĩa biểu tượng, chiến lược

Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cung cấp cho Syria các loại vũ khí và phát triển quan hệ song phương gần gũi với nước này.

Năm 1971, hai nước ký một thỏa thuận cho phép Liên Xô kiểm soát một căn cứ hải quân ở thành phố Tartus, trên bờ biển Địa Trung Hải, của Nga.

Căn cứ này hiện nay là cảng cuối cùng ở Địa Trung Hải mà Nga đang kiểm soát. Vì thế, cảng này có tầm quan trọng lớn về chiến lược và ý nghĩa biểu tượng đối với Nga.

Tháng 1 năm nay, Nga và Syria ký thỏa thuận mở rộng căn cứ Tartus để cho phép Nga tiếp nhận 11 tàu chiến.

Thông qua cảng biển này, Nga vận chuyển cho ông Assad các loại vũ khí để giúp ông này tại vị trong suốt hơn 6 năm cuộc nội chiến diễn ra. Nga cũng đưa các hệ thống phòng thủ tên lửa đến Tartus.

Sau khi Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa Tomahawk tuần trước, Nga tuyên bố sẽ giúp Syria mở rộng năng lực phòng không.

Sự hỗ trợ quân sự của Nga cho chính phủ Syria, đặc biệt là các vụ không kích của Nga từ tháng 9/2015, đã khiến tình hình đảo ngược hoàn toàn theo hướng có lợi cho ông Assad.

Tổng thống Putin cũng cho là đang dùng sự hiện diện của họ ở Syria để thể hiện với dư luận trong nước rằng Nga vẫn đang làm đúng về địa chính trị. Nhiều năm nay, Nga đã hạn chế Mỹ thể hiện ảnh hưởng ở Syria và gây sức ép buộc ông Assad từ chức.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Nga phủ quyết những nghị quyết nhằm vào ông Assad, trong khi sự hiện diện quân sự của Moscow và nguy cơ xung đột lớn hơn khiến cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn can dự sâu hơn vào Syria.

Nhưng sự hậu thuẫn của ông Putin dành cho ông Assad khiến Nga tốn chi phí đáng kể. Kremlin đã đổ hàng trăm triệu USD vào Syria, trong khi rủi ro đang ngày càng lớn.

Vụ tấn công bằng khí độc hóa học xảy ra tuần trước trở thành vũ khí để Mỹ công kích Nga, vì Moscow là nhà bảo trợ trên thực tế của một thỏa thuận năm 2013 về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của ông Assad.

Trong khi vẫn hậu thuẫn vững chắc chính quyền Assad, Nga đối mặt với khả năng những hành động trong tương lai của Mỹ ở Syria sẽ xung đột với các lợi ích của Moscow.

Trong mấy ngày sau khi Mỹ nã tên lửa vào Syria, Kremlin không muốn bị coi là đang xuống nước. Nhưng làm như vậy ông Putin có thể sa vào muộc cuộc chiến ngày càng phức tạp và không biết bao giờ mới kết thúc, giới phân tích nhận định.

Theo Theo Huffington Post
MỚI - NÓNG