Chiều nay (14/11), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.
Mùa ô nhiễm thay cho mùa đông
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kể, ngay trưa nay, ông xem thông tin Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tư lệnh ngành môi trường chia sẻ, tại Việt Nam vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2,5.
“Dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19”, ông Duy nói và cho biết thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị chiều 14/11. |
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TPHCM có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn. Trong đó, nguồn ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải. Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc. Ông Tùng cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện.
“Ngay Hà Nội chúng ta có nhà máy đốt rác phát thải Thiên Ý với lượng khí thải khổng lồ, chúng ta sẽ kiểm soát như thế nào?”, ông Tùng đặt vấn đề và cho hay, vấn đề ô nhiễm không khí được nhận thức từ nhiều năm trước nhưng chất lượng không khí ngày càng suy giảm chứng tỏ các công cụ của chúng ta chưa hiệu quả.
Cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách
Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết các quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. |
Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết các quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.
Ông Tấn cho biết, thành phố đang triển khai 4 nhóm giải pháp ưu tiên, trong đó có nghiên cứu, xây dựng các quy định, cơ chế đặc thù nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí đã được ban hành tại Luật Thủ đô như quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp.
Thực hiện giảm phát thải từ các nguồn chính, nhất là nguồn giao thông, trong đó có công tác rửa đường, phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; xây dựng khu vực phát thải thấp. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên cấp liên ngành liên vùng.
“Vấn đề môi trường không khí không là vấn đề không của riêng ai, của tỉnh/thành phố nào. Qua nghiên cứu, Hà Nội bị ảnh hưởng từ các nguồn bên ngoài và nguồn ô nhiễm từ Hà Nội cũng có thể lan toả ra các địa phương khác. Vì vậy cần sự trao đổi, phối hợp với các tỉnh, bộ ngành để cùng giải quyết bài toán ô nhiễm không khí”, ông Tấn nói.
Hà Nội đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác kiểm soát chất lượng không khí còn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Trách nhiệm thực hiện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư còn phân tán, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Nông nghiệp và UBND các địa phương.
Ông Nam cho biết, Bộ đang đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng không khí tại Việt Nam, nhất là các đô thị lớn. Trong đó rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí, trong đó, tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đồng thời, thực hiện siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thông tin thêm, thực hiện Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ TN&MT đang tiến hành xây dự thảo quy chuẩn khí thải xe máy và lộ trình áp dụng, sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành. “Đây sẽ là công cụ quan trọng kiểm soát nguồn ô nhiễm rất lớn, rất đáng kể ở Việt Nam”, ông Nam nói.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý phạm, giám sát các nguồn thải khí thải, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường Hoá và Khoa học sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội: "húng ta cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách, cần thành lập Uỷ ban trực thuộc Chính phủ với sự tham gia của bộ ngành, địa phương, chuyên gia, xây dựng lộ trình ưu tiên thực hiện trong 3-5 năm tới với các mục tiêu và giải pháp ưu tiên".
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Bộ sẽ tổng hợp, tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến tại Hội nghị để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong thời gian tới.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất chúng ta cùng nhau chọn thời điểm tháng 11/2024 là điểm mốc đánh dấu cho các hành động chung, giải pháp phối hợp liên ngành trong giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, vấn đề môi trường chung đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay”, tư lệnh ngành môi trường nói.