Hà Nội nhiều lần ô nhiễm nhất thế giới
Sáng 5/3, Hà Nội chìm trong sương mù mịt, tầm nhìn hạn chế. Bên cạnh hơi ẩm do không khí lạnh suy yếu mang vào, Hà Nội còn chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ứng dụng AirVisual ghi nhận Thủ đô của Việt Nam ô nhiễm nhất trong hơn 100 thành phố mà hệ thống theo dõi, vượt qua các điểm nóng ô nhiễm không khí nổi tiếng thế giới là thành phố Lahore của Pakistan và Dhaka của Bangladesh.
Đáng lưu ý, trong suốt mùa đông năm nay (từ tháng 10/2023 đến nay), Hà Nội nhiều lần được AirVisual ghi nhận là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Kết quả về mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội do Air Visual công bố tương đồng với kết quả quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các hệ thống quan trắc độc lập như PAM Air, đại sứ quán Mỹ.
Nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ ô nhiễmkhông khí nghiêm trọng
Cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Hồng cũng ghi nhận các đợt ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng trong mùa đông vừa qua, đặc biệt là các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên.
Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 nêu thực tế, thành phố đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhưng lại kéo theo các hệ lụy về sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đặc biệt chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3 đến 1,6 lần. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu (tính trung bình các trạm) chiếm 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm. Một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay cho đến mùa mưa (khoảng tháng 5), Hà Nội có thể tiếp tục đối mặt với các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thường tập trung vào thời kỳ không khí lạnh suy yếu, hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra khiến chất ô nhiễm không phát tán được.
Tăng nguy cơ tử vong sớm
Theo Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi PM2.5 gây ra đang ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế cho người dân thủ đô.
Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội. Chất lượng cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh các gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn gây ra các thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám chữa bệnh, chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của người bệnh và người chăm sóc.
Ước tính tỷ lệ thiệt hại khoảng 20% thu nhập. Giai đoạn 2011 - 2015, chi phí khám, chữa bệnh hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm... đối với dân cư nội thành Hà Nội là hơn 1.500 đồng/người/ngày, tương đương 2.000 tỷ đồng/năm với 3,5 triệu dân nội thành.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi các ứng dụng quan trắc không khí để có biện pháp chủ động giảm thiểu thiệt hại. Với những ngày ô nhiễm không khí từ ngưỡng đỏ (có hại cho sức khoẻ tất cả mọi người), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế vận động tập thể dục, lao động ngoài trời.
Ngoài ra, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Trường hợp cần ra khỏi nhà nên sử dụng khẩu trang có khả năng loại bỏ bụi mịn PM2.5. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.