Mỹ chuẩn bị tiếp tục tấn công Syria?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ra lệnh triển khai thêm các cuộc tấn công nếu Syria tái sử dụng vũ khí hóa học. Ảnh: Sputnik News.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ra lệnh triển khai thêm các cuộc tấn công nếu Syria tái sử dụng vũ khí hóa học. Ảnh: Sputnik News.
TP - Báo chí Nga hôm qua đưa tin, phía Nga đã nắm bắt một số thông tin cho rằng, Mỹ chuẩn bị tiếp tục phóng tên lửa nhằm vào Syria.

Mỹ nói rằng, cuộc tấn công vào căn cứ không quân của Syria vừa qua chỉ là sự kiện đơn lẻ, không phải một bước chuyển chiến lược. Nhưng Nhà Trắng cũng nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ra lệnh triển khai thêm các cuộc tấn công nếu Syria tái sử dụng vũ khí hóa học.

Báo Nga Moscow Times đưa tin, lãnh đạo Nga đã nắm bắt một số thông tin cho rằng, Mỹ chuẩn bị tiếp tục phóng tên lửa nhằm vào Syria, đồng thời ngụy tạo các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer hôm 10/4 nói rằng, Washington cũng có thể trả đũa nếu Syria dùng bom thùng - loại vũ khí làm bằng thùng dầu chứa đầy chất nổ và được thả xuống từ máy bay. Trả đũa việc sử dụng bom thùng sẽ đòi hỏi một bước chuyển lớn trong chính sách của Mỹ vì các nhóm đối lập nói rằng, loại vũ khí này bị sử dụng gần như mỗi ngày.

Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (trụ sở ở Anh) nói rằng, các máy bay Syria hôm qua thả bom thùng xuống nhiều khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Hama. Syria luôn phủ nhận việc sử dụng bom thùng, nhưng các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc ghi nhận thực tế ngược lại.

Ngược lại, các đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ. Trung tâm chỉ huy phối hợp của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah của Li-băng hôm 9/4 nói rằng, cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ vừa qua đã vượt qua “vạch đỏ”. Họ tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ hành động hiếu chiến nào nữa và sẽ tăng cường hỗ trợ ông Assad, BBC đưa tin.

Vụ tấn công bằng tên lửa làm tăng kỳ vọng của nhiều người rằng Tổng thống  Trump đã sẵn sàng có quan điểm cứng rắn hơn đối với Nga, và rằng ông đã sẵn sàng tham gia các công việc của thế giới thay vì đi theo đường lối cô lập như trước đây.

Trước khi xảy ra vụ tấn công bằng khí độc, ông Trump nói rằng Washington sẽ không hành động như người bảo trợ của thế giới, đặc biệt trong những vấn đề không phải lợi ích của Mỹ. Những lời lẽ ấm áp của ông Trump dành cho Nga từng là một vấn đề trong nội bộ Mỹ khi các cơ quan tình báo nước này cáo buộc Mátxcơva can thiệp cuộc bầu cử tổng thống để giúp ông chiến thắng. Cục Điều tra Liên bang Mỹ vẫn đang điều tra liệu ê-kíp giúp ông Trump tranh cử có thông đồng với phía Nga hay không.

Hành trang của Ngoại trưởng Mỹ đến Nga

Ngày 11/4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rời Ý sang Nga sau cuộc gặp với ngoại trưởng các nước trong nhóm 7 nền kinh tế phát triển. Các đồng minh Trung Đông của Mỹ ủng hộ quan điểm thống nhất về vấn đề Syria sau khi xảy ra vụ tấn công bằng khí độc giết chết 87 người cách đây 1 tuần.

Phương Tây đổ lỗi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công, và ông Donald Trump đáp trả bằng hàng loạt tên lửa hành trình nhằm vào một căn cứ không quân của Syria. “Điều rõ ràng đối với chúng ta là sự cai trị của gia đình Assad sắp kết thúc”, Reuters dẫn lời ông Tillerson phát biểu tại Ý trước khi lên đường sang Nga.

Ông Tillerson cho rằng, Nga đã thất bại trong vai trò bên bảo trợ của thỏa thuận năm 2013 mà trong đó Tổng thống Assad hứa từ bỏ kho vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Syria luôn phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học. Ngày 11/4, Cục tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga thông báo, Syria sẵn sàng cho phép các chuyên gia quốc tế tới kiểm tra căn cứ quân sự của Syria để tìm dấu vết của vũ khí hóa học.

Trong chuyến thăm Nga lần này, ông Tillerson đóng vai trò người chuyển thông điệp của Tổng thống Mỹ về quan điểm thống nhất của nhóm G7. Đây được coi là một bước chuyển đối với Tổng thống Trump vì trước đây ông từng khiến các đồng minh lo lắng khi tỏ ra hoài nghi về giá trị của các nước bạn bè truyền thống, trong khi thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Mátxcơva.

Hôm 10/4, ông Trump điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề Syria.

“Tôi nghĩ chúng ta phải thể hiện một quan điểm thống nhất và trong các cuộc đàm phán, chúng ta phải làm mọi việc có thể để đưa Nga ra khỏi Assad, ít nhất đến mức họ sẵn sàng tham gia để tìm ra một giải pháp chính trị”, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói hôm 10/4.

Canada và Anh nói rằng, các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Nga từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea có thể bị thắt chặt nếu Mátxcơva tiếp tục hậu thuẫn ông Assad. Nhưng Pháp nói rằng, điều này chưa được thảo luận kỹ tại cuộc họp của G7.

Các dự án khai thác dầu trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ của hãng Exxon (Mỹ) cũng nằm trong những thỏa thuận lớn nhất chịu tác động của chính sách trừng phạt Nga.

MỚI - NÓNG