Người tình kiếp này

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (Ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong).
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (Ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong).
TPO - Gần đây người ta hay bàn tán về câu chưa rõ ở đâu ra: “Con gái là người tình kiếp trước của cha”. Chả biết thực hư nhưng người tình là khả năng đẹp nhất rồi chứ gì. Con trai còn bị coi là “chủ nợ từ kiếp trước đến đòi tiếp” cơ mà. Ấy thế nhưng cứ nhìn những người tình kiếp này đối xử với nhau mà kinh. Như cặp Nga- Mỹ đang đưa nhau ra tòa, rút cuộc chả biết là nợ tình hay quỵt tiền…

Khoảng 18h ngày 12/6 trên phố Xã Đàn diễn ra một vụ nghi bạo lực gia đình. Người vợ bị đánh hộc máu trước sự chứng kiến của con gái nhỏ. Ai đó đã quay và đưa lên mạng. Báo chí ghi nhận vết máu của người vợ sau cơn mưa lớn vẫn in hằn trên vỉa hè tới hôm sau. Nhưng rồi hàng tuần sau, sự việc vẫn rơi vào im lặng. Trong khi vụ hai thanh niên đánh chảy máu công dân Mỹ sau va chạm giao thông xảy ra muộn hơn, chỉ sau vài ngày đã bị khởi tố. Có lẽ ở xứ này chồng xử vợ là việc quá bình thường, kể cả giữa đường vào ban ngày.

Đi đường nhiều khi thấy công an bắt và xử lý người không đội mũ bảo hiểm rất nhanh. Sao sự năng nổ ấy không được đem ra để cứu giúp dù chỉ một phụ nữ bị bạo hành ngay trong chính gia đình bởi chính người tưởng rằng phải yêu thương mình nhất.

Trong một kịch bản khác, nếu tất cả những người chứng kiến vụ việc đều căm phẫn bạo hành phụ nữ, họ sẽ vô hiệu hóa thủ phạm, đem hắn đến công an. Nhưng chắc là mọi người thấy cũng bình thường cái chuyện gọi là “dạy vợ”. Người dạy bao giờ chả giỏi hơn. Giỏi ở đây là giỏi thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Ông bố này một lúc dạy mẹ dạy cả con. Hành động của anh ta như muốn nói: “Đàn ông là phải thế. Sau này chuẩn bị mà chịu đòn nghe con!”

Bạo lực đáng bị lên án huống hồ bạo lực gia đình, bạo lực giữa những người tình. Không gian nhỏ hẹp hai người đã chọn để trói nhau cả đời ấy một khi đã thành địa ngục thì nó sẽ là 24/24h. Án mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rồi nó sẽ được thanh minh do lỡ tay, do giận quá mất khôn… Chứ không phải là đánh người mãi quen tay, càng ngày càng phải tăng đô?! Năm 2004, ca sĩ Bertrand Cantat (Pháp) bị kết án 8 năm tù vì “ngộ sát” bạn gái là diễn viên nổi tiếng Marie Trintignant. Anh này khai đã tát bạn gái 4 cái rất mạnh trong phòng khách sạn vì ghen tuông, dẫn đến cái chết của Marie một tuần sau đó.

Ở Việt Nam, một ca sĩ nổi tiếng thập niên 1980 đã bỏ hào quang danh vọng tìm cách xuất ngoại mà theo chị chỉ để trốn chồng. Trong tự truyện, sắc đẹp “vạn người mê” ấy đã phải để trắng một chương viết về cuộc hôn nhân kia. Nhưng chỉ cần vài dòng vương lại, người đọc có thể hình dung được tính tinh tế của bạo lực không phải lúc nào cũng dùng tay chân.

Đó là đoạn chị uống thuốc ngủ để chết, tình cờ người trong nhà biết, kịp thời đưa bệnh viện rửa ruột: “Tôi sống được. Tỉnh dậy thấy chồng, chàng đưa ra xích lô đi về nhà, ghé tai nói nhỏ: ‘Sau tự tử nhớ chết luôn đừng vào bệnh viện, bẩn ghê lắm.’” Nói chung có những thứ trong nhà với nhau, người ngoài không thấy được. Hoặc có thấy cũng chẳng làm gì được, nếu nạn nhân không vùng lên.

Ngày nay, nếu không có điều kiện trốn đi nước ngoài vài chục năm, chị em cũng đừng quá lo lắng. Ngay Hà Nội có các nhà tạm lánh sẵn sàng đón nạn nhân bạo hành gia đình. Riêng Trung tâm Phụ nữ và phát triển đã có hai “Ngôi nhà bình yên” cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình hoặc bị xâm hại tình dục ở bí mật, an toàn, miễn phí tới 3 tháng. Các nạn nhân còn tiếp tục được hỗ trợ, tư vấn về pháp lý, việc làm, kỹ năng sống… trong 2 năm sau đó.

Tưởng thế là rốt ráo lắm rồi, chỉ còn quảng bá để chị em có hoàn cảnh éo le biết mà tìm đến. Nhưng GSTS Lê Thị Quý lại khẳng định những kẻ vũ phu mới là đối tượng cần cách ly khỏi xã hội. Bà cho rằng việc “giấu kín nạn nhân” lại làm cho họ cảm thấy mình có lỗi, trong khi thủ phạm nhởn nhơ càng có vẻ ngây thơ vô tội. “Ở Philippines, người gây bạo lực gia đình sẽ bị cách ly khỏi gia đình và nạn nhân thì được bảo vệ ngay tại nhà. Còn Việt Nam lại áp dụng quy trình ngược,” bà Quý nói.

Mỗi năm, khoảng 1,2 triệu phụ nữ Anh và xứ Wales là nạn nhân của bạo lực gia đình (số liệu 2014). Tệ nạn này làm tiêu tốn 15,7 tỷ bảng/năm vào các khoản viện phí, án phí, phí cho công tác xã hội, chỗ tạm lánh, và tính cả những ngày nạn nhân không thể làm việc do bị thương. Anh không chỉ có nhà mở dành cho nạn nhân là phụ nữ mà chính những ông chồng bạo hành cũng có các tổ chức như Respect (Tôn trọng) hay White Ribbon (Ruy-băng trắng) để tìm đến. Khi họ cảm thấy cần được giúp đỡ để kiểm soát hành vi, cũng như để tính xấu ác của mình không ảnh hưởng, lây nhiễm sang con cái.

Triết học Phật giáo có khái niệm Nghiệp giải thích nhiều thứ trên đời, đã đi vào đời sống. Ví dụ với các cặp lấy nhau để làm khổ nhau, người ta sẽ bảo đó là “nghiệp chướng”. Nhưng nghiệp không có nghĩa là bất biến, để vin vào đấy mà tiếp tục gây khổ hoặc chịu khổ. Từ điển Phật học (NXB Tôn Giáo- 2006) ghi rõ: “Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, nhưng hành động con người trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người.”

Vì thế mà cùng mang một “nghiệp” đánh vợ, người đàn ông ở Việt Nam có thể tiến tới trở thành tội phạm. Trong khi người đàn ông Anh lại ý thức được đó là bệnh cần chữa nếu còn muốn giữ người yêu thương nhất quanh mình. Trong khi ở Việt Nam không hiếm những ông bố quen thói vũ phu bị vợ con từ bỏ, về già sống trong cô quạnh. Âu cũng là một cách trả nợ, khỏi dây dưa tới tận kiếp sau.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.