Mở cửa “khoang hành khách” chiếc PT Cruiser rộng thênh thơm phức, thấy như bước vào giấc mơ. Nhạc nổi, giai điệu day dứt Let’s hurt tonight tuôn ào ạt, âm thanh tuyệt hảo. Tôi khoái chí lim dim, tán chuyện với tài xế như với bạn: “Gớm em gái kia trông văn minh thế mà nhát không dám lên xe này, nhà ga chứ trong rừng đâu, lầm sao được”. Rồi khoan khoái ngắm nghía tranh ảnh thú bông đồ chơi hoa lá phim hoạt hình trong xe, cả đèn chớp nháy đủ màu và những mẩu sticker non nớt tiếng Ý.
Chị tài đáp: “Ngày nào cũng có người từ chối lời hỏi thăm của chị. Hình như họ không thích đón nhận lòng tốt thì phải! Nhưng chị vẫn thích hỏi thăm. Vì họ sắp chia sẻ với mình quãng đường ngắn, và vì họ cần biết chính mình là quan trọng, và tin chị sẽ đưa họ tới nơi” “Chị lái taxi lâu chưa” “Hơn mười lăm năm, từ khi anh Stefano chồng chị qua đời vì ung thư. Chị chở miễn phí cho các cháu nhỏ bệnh nhân và người nhà tới bệnh viện nhi đồng Meyer. Mọi người thường gọi chị là dì (zia) Caterina”.
Vừa thoáng băn khoăn liệu đang bệnh tật có thích lên xe này thì nhạc chuyển sang một bài sôi nổi, Sandé “rap” dồn dập: Chúng ta là những người tuyệt vời, là những người tuyệt vời, nên cần chi sợ hãi…. Xe lóc cóc qua những con phố hẹp lát đá, dòng chữ “Chúng ta là siêu anh hùng” nhảy nhót. Tám giờ tối nắng chưa chịu tắt, Florence rộn ràng chiều hè muộn quanh tôi.
Caterina nheo mắt qua kính chiếu hậu và màn bong bóng xà phòng lấp lánh đang phả làn hơi mát lạnh, như đọc được suy nghĩ của tôi: “Chẳng ai có bệnh mà tự nhiên vui cả, nhưng nếu chia sẻ được lo buồn thì mọi chuyện chắc chắn ổn. Trước khi mất, anh tặng chị chiếc taxi này, muốn chị thay anh lái nó. Một hôm có cô bé ba tuổi cùng bố mẹ lên xe, chị hỏi như thường lệ: Mọi chuyện ổn cả chứ cháu?Con bé khóc nói nhớ em trai, mới qua đời vì u não. Bố mẹ chúng nó tham gia tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu phòng chữa ung bướu. Sau lần đó xe biến thành chiếc Milano25 (tên hội thiện nguyện chị lập ra). Bọn trẻ bệnh nhân thích lắm, cứ lên xe là hết sợ tiêm chích thuốc men truyền hóa chất. Người lớn cũng thích dùng xe cho đám cưới, vừa độc lạ vừa vui. Hồi anh lâm bệnh, 39 tuổi, bạn bè nhiều người biến mất. Thực ra chỉ cần họ có mặt là đủ, nhưng nhiều người không hiểu nỗi đau được chia sẻ sẽ vơi đi”.
Hành trình kết thúc, tôi tiếc rẻ: “Chụp với em tấm ảnh nhé” ”, cảm thấy hết mệt và phấn chấn lạ lùng. Hôm sau nói chuyện với người bạn dân Florence mới biết Caterina Bellandi và chiếc Milano25 rất nổi tiếng ở đây. Song không phải ai cũng tán thưởng việc làm của chị.
Họ nghĩ chị vẫn bị ám ảnh bởi cái chết của người chồng chưa cưới, không vượt qua nổi bất hạnh. Cả ngày vẽ mặt đội mũ khoác áo choàng như Mary Poppins* đi phân phát niềm vui, tối về chắc vẫn cô đơn thôi. Sao không sống bình thường, tìm tấm chồng mới? Sao chọn chở con cái người khác và những cặp chẳng dính đến mình?
Chợt nhớ bạn đồng nghiệp của bố tôi, có vợ chưa cưới là bác sĩ bệnh viện Bạch Mai qua đời trước ngày cưới trong trận bom Noel 1972. Sau đó, các cô bạn gái mới mỗi lần tới nhà chơi thấy chiếc blouse trắng của người quá cố treo đầu giường là rút lui có trật tự. Rất lâu sau mới có cô dũng cảm ở lại, thành vợ bác ấy khi cả hai ngót nghét 50.
Lại có cô người quen sống bên Mỹ, chồng mất tích hơn ba chục năm trước, ở vậy nuôi con và hy vọng chồng trở về. “Bà ấy không đi bước nữa vì muốn hưởng lương của chồng thì có”, người đời bàn tán. “Mười mươi ông ấy mất rồi, sao không làm lại cuộc đời?”.
Hình như có một bệnh còn khó chữa hơn nan y, là bệnh nghĩ thay và phán xét người khác. Mỗi người một số phận, một lựa chọn. Nếu thấy người khác chọn điều gì có vẻ tốt, nên chăng ta cũng tin điều ấy tốt? Như tôi hôm đó nếu không tin vào chiếc taxi lạ thì làm gì có được chuyến đi thú vị thế.
Tìm đọc về Caterina, thấy chị 15 năm qua hình như không giảm phong độ, lúc nào cũng tươi rói dù làn da khóe mắt có nhăn hơn. Chị nói mình có thể sống bình thường, nhưng lại chọn chia sẻ chuyện riêng với nhiều người trên chiếc xe cổ tích. Lựa chọn ấy giúp chị học hỏi và thực hành mỗi ngày, biến nỗi đau của mình và các em nhỏ bệnh nhân thành niềm vui và hy vọng. Từ việc giữ lại di vật của Stefano đến việc dùng nó vận hành một hội thiện nguyện là hành trình vượt qua bất hạnh quá khứ thật đặc biệt. “Đường đi quan trọng hơn đích đến, và trên con đường ấy, tôi luôn chọn những gì tốt đẹp”.
Hôm ấy chia tay Caterina, thêm một lần tin “chọn điều tốt sẽ gặp điều tốt”. Và tò mò muốn biết đích đến của chị tốt đẹp ra sao.
* Mary Poppins là nhân vật truyện tranh, phim điện ảnh Walt Disney và nhạc kịch Broadway về cô bảo mẫu trên trời rơi xuống giúp các em nhỏ.