Nhà giáo và luật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chỉ trong vòng mươi năm từ 2010-2021, cả nước có tới gần 200 văn bản liên quan đến đội ngũ nhà giáo, trong đó có Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp,... Nhưng rồi Việt Nam đến lúc cần phải có Luật Nhà giáo, dành riêng cho chủ thể đặc biệt của “quốc sách hàng đầu”. Dự thảo luật này hiện đã trình Quốc hội chờ xem xét cho ý kiến.

Trải qua thời gian dài “dùng chung” các luật và văn bản liên quan, việc định danh, định vị, vai trò, quyền và nghĩa vụ... của nhà giáo vừa nhạt nhòa vừa chồng chéo. Hàng loạt vấn đề bức xúc liên quan đến đội ngũ giáo viên đã không thể giải quyết hoặc chỉ có thể xử lý nửa vời.

Như có một điều khoản trong dự thảo luật đang được báo chí, dư luận bàn thảo nhiều. Đó là quy định không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Đã có những ý kiến cho rằng đây là sự “ưu ái” riêng đối với nghề giáo, dễ dẫn đến việc “bao che sai phạm” cho nhau vì thành tích nhà trường, và như vậy dư luận xã hội cũng không thể giám sát...

Có thật vậy không? Có thể chấp nhận việc một người bị dư luận “kết tội” và tặng cho những “bản án” trước khi có bản án chính thức của tòa không? Cũng như giáo viên hay người thuộc bất kỳ ngành nghề nào khác, khi còn chưa có kết luận chính thức của cơ quan thanh tra, điều tra hoặc những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thì đã được “tòa án” mạng xã hội vùi dập, kết tội – có chấp nhận được không? Rất nhiều cuộc “đấu tố” đau lòng đã xảy ra như vậy, hoàn toàn không phải là sự thực thi quyền giám sát của xã hội, mà chính là sự xâm phạm quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ – một quyền cơ bản của con người đã được hiến định.

Vấn đề còn lại, cũng là điều kiện tiên quyết để quy định nêu trên trong dự thảo Luật Nhà giáo, cũng như chính bộ luật này có thể được thực thi đúng đắn, đó chính là vai trò và trách nhiệm thực sự của các cơ quan có thẩm quyền. Cách tốt nhất để bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo cũng như của ngành, đó chính là cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh để sớm công bố những kết luận đúng với bản chất, mức độ vụ việc, đánh tan mọi đồn đoán, kết tội sai lệch, ác ý.

Thực tế đã có không ít vụ việc giáo viên bị dư luận và mạng xã hội tấn công không thương tiếc về một hiện tượng/hành vi chưa thể xác định bản chất đúng sai, nhưng Ban giám hiệu, hội đồng trường và các cơ quan liên quan vẫn im lặng phó mặc. Hoặc tổ chức thanh tra, xác minh rồi cũng không hề công khai kết luận, hình thức xử lý trước báo chí, công luận.

Do đó, muốn cho Luật Nhà giáo sắp tới trở nên hiệu lực, hiệu quả, thực sự là chỗ dựa pháp lý cho đội ngũ giáo viên, cũng cần phải kịp thời, kiên quyết có biện pháp giám sát, chế tài ngay chính những “cơ quan có thẩm quyền” nhưng làm việc thiếu trách nhiệm và vô cảm. Số phận, danh dự của một giáo viên không chỉ thuộc về một con người, đó phần nào còn là hình ảnh đại diện cho “quốc sách hàng đầu” của đất nước.

Giáo viên không cần ưu ái, mà cần được tôn trọng – tôn trọng phẩm giá và thượng tôn pháp luật.

MỚI - NÓNG