Doanh nhân nhà nước

TP - Hôm nay, 13/10/2024, tròn kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân vào nền kinh tế đất nước, cũng là dịp cả hệ thống chính trị cùng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Hôm trước ngồi với người bạn là lãnh đạo một công ty thuộc Tập đoàn nhà nước, anh bạn hỏi "như mình có được tính là doanh nhân không nhỉ?". Hơi ngẩn người. Ừ nhỉ, lâu nay có cảm giác hai chữ “doanh nhân” chủ yếu là để gọi mấy "ông" doanh nghiệp tư nhân. Nhưng thỉnh thoảng trong các diễn văn về đội ngũ doanh nhân lại thấy nhắc đến những tập đoàn 100% vốn nhà nước như Viettel, VNPT, PVN.

Tìm hiểu, thì thấy dường như cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc này. Có lập luận cho rằng, doanh nhân là người sáng lập, chủ sở hữu hoặc cổ đông lớn của một doanh nghiệp thương mại. Doanh nhân đôi khi cũng là những vị CEO, mặc dù chưa chắc họ là chủ sở hữu. Tuy nhiên, các giám đốc thuộc công ty nhà nước không được gọi là doanh nhân. Nhưng cũng có quan điểm, rằng doanh nhân không chỉ là những ông chủ tư nhân, mà còn bao gồm cả bộ phận cán bộ, lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Nói chung vẫn còn chênh nhau về khái niệm này.

Cũng như sự "chênh"nhau về luật và những quy định giữa hai loại hình doanh nghiệp. Ngày 7/10 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để cuối tháng này sẽ trình trước Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng các doanh nghiệp tư nhân làm ăn hiệu quả vì tiết kiệm được thời gian, đơn giản thủ tục, giảm được chi phí “xin chỗ nọ, chỗ kia”. Còn doanh nghiệp nhà nước thì ngược lại, không được phân cấp, phân quyền nên cái gì cũng phải trình, xin nhiều cấp quản lý. Như phải trình, xin ý kiến từ chiến lược, phương hướng đến kế hoạch và phải chịu trách nhiệm toàn diện để không làm mất vốn nhà nước. “Cái gì cũng phải xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được?”, ông Định đặt vấn đề, và yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin-cho, tăng phân cấp, phân quyền với doanh nghiệp nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đặt vấn đề “Luật sửa đổi cần tách bạch rõ chức năng của các bộ, ngành quản lý phần vốn Nhà nước ở doanh nghiệp, tránh việc "chỗ này tưởng chỗ kia quản", gây thêm khó khăn".

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp và doanh nhân nhà nước hay tư nhân cũng đều phải đối mặt với không ít những khó khăn, vướng mắc chồng chéo chưa thể tháo gỡ một sớm một chiều. Áp lực lên những doanh nhân dù khoác "chiếc áo" nào, tư nhân hay nhà nước cũng đều trĩu nặng như nhau.

Một chi tiết thú vị, đó là Ngày Doanh nhân Việt Nam ra đời trước Ngày Doanh nhân thế giới (World Entrepreneurs' Day) 6 năm. Ngày 21/8 hàng năm, kể từ 2010 theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc, được chọn là ngày tôn vinh tinh thần khởi nghiệp và vai trò quan trọng của doanh nhân trong việc thúc đẩy đổi mới, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù Việt Nam đi trước, nhưng tinh thần và thông điệp chung của ngày này vẫn hòa đồng với thế giới.

Và mọi doanh nhân Việt Nam, dù tư nhân hay nhà nước, hình thức tôn vinh cao nhất mà họ cần, đó là tháo dỡ mọi vật cản trên bước đường làm ăn, đóng góp được nhiều hơn cho đất nước.

MỚI - NÓNG
Cách nào níu giữ nhân tài?
Cách nào níu giữ nhân tài?
TP - TPHCM tuyển dụng công chức, viên chức theo chế độ đặc biệt để thu hút người tài làm việc. Theo nhiều chuyên gia, để trí thức trẻ phát huy hết năng lực, thành phố cần tạo cơ chế cởi mở để họ làm việc thay vì bị vướng nhiều cơ chế hành chính ràng buộc như hiện nay.