Một công cuộc đổi mới thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Chính phủ, Quốc hội kể từ sau Đổi Mới 1986. Như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm “cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị”. Theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”. Trước mắt là hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12/2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra vào tháng 2/2025...
Thực tế không khó để nhận ra, đó là tổ chức bộ máy của chúng ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa được nâng cao; vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc và đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới...
Nhìn lại, có ba vấn đề lớn mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Đảng ta vừa chỉ ra. Đó là tháo gỡ “điểm nghẽn của thể chế”, “chống lãng phí”, và tinh gọn hệ thống bộ máy tổ chức, đều nằm trong một chỉnh thể biện chứng chặt chẽ và khoa học. Sắp xếp, tinh gọn là để phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm, và là cách chống lãng phí căn cơ, hiệu quả nhất. Việc tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt của thể chế cũng xuất phát từ đây. Đồng thời, phân cấp, phân quyền tốt cũng giúp cho việc tinh giản được tổ chức và bộ máy một cách hiệu quả.
Tinh gọn hóa, khoa học hóa bộ máy không hẳn chỉ nhằm giảm ngân sách trả lương, mà điều đặc biệt quan trọng, đó là hướng tới chiến lược quản trị quốc gia một cách hiện đại, hiệu quả, để chúng ta có thể đi nhanh hơn, xa hơn, trong bối cảnh thế giới và khu vực đã tiến rất xa, còn chúng ta đã bỏ lỡ không ít cơ hội để theo kịp đà tiến ấy. Đây cũng chính là nhiệm vụ nặng nề, cũng là cơ hội đặc biệt để đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Cuộc cách mạng - Đổi Mới nào cũng đầy khó khăn, thử thách và có rất nhiều hy sinh. Biết bao tâm tư, tâm trạng khi công việc, quyền lợi, sự ổn định cuộc sống gia đình,... bị xáo trộn và đổi thay rất lớn. Nhưng cuộc cách mạng này không thể khác được, không thể bỏ lỡ cơ hội, không thể bàn lùi. Rất cần những những sự hy sinh - hy sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước, giữa kỷ nguyên vũ bão và cũng đầy áp lực này.