Siêu thực từ đó cũng trở thành một trào lưu mới trong nghệ thuật, nơi nghệ sĩ vượt lên cái hiện thực đời thường đáng chán bằng cách tìm đến một dạng hiện thực siêu đỉnh - một siêu hiện thực. Với sự vô thức, những giấc mơ, những cơn say, những mong muốn bị kìm nén, và những ý tưởng điên rồ…
Những năm 20 đầu thế kỷ 20 được gọi với cái tên Những năm 20 điên rồ (Les Annees Folles). Nhưng có lẽ nếu André Breton và những nhà siêu thực một trăm năm trước nay sống dậy, chắc khó thể đặt tên cho những năm 20 ở thế kỷ 21 này. Bởi những tác phẩm đình đám thời ấy, như bức sơn dầu Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence of Memory) của danh họa Salvador Dali, bức ảnh mang tên Cây vĩ cầm của Ingres (Ingres’s Violin) của Man Ray, hay bức Sự phản phụ của hình ảnh (La trahison des images) của Rene Magritte - vẽ tả thực một cái tẩu thuốc rồi ghi dòng chữ ngay trong bức tranh “Đây không phải là một cái tẩu”, thì xem ra vẫn quá “hiền” so với nghệ thuật thời nay.
“Nghệ thuật” thời nay, đó là bẻ quả chuối chín dán lên tường, rồi kích hoạt truyền thông để bán với giá 6,2 triệu đô la như mới đây. Bán đi bán lại với giá mỗi lúc một cao. Hay đóng gói... phân của mình vào những hộp thiếc loại 30g, đặt tên tác phẩm là Phân của nghệ sĩ (Artist’s Shit) để liên tục bán với giá quy ra tiền Việt tới 5-7 tỉ đồng mỗi hộp!...
Nghệ thuật luôn là phương tiện phản ánh cũng như phản ứng với thời đại. Những nhà siêu thực vài thập niên đầu thế kỷ 20 có thể nói đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng và làm thay đổi lề thói cũ trong cách suy nghĩ và nhận thức về thế giới xung quanh, chống lại tư duy duy lý cứng nhắc và chủ nghĩa thực dụng, cổ xúy sự thay đổi xã hội...
Còn đương đại, dường như nghệ thuật chưa có thêm một thứ trường phái nào mới. Khi mọi thứ đã mở toang, và có vẻ như không còn giới hạn nào. Khi ai cũng sống kiểu siêu thực và trên cả siêu thực, như chăm bẵm, tắm rửa, bón ăn, chữa bệnh và trò chuyện với một... cục đá và coi đó là “thú cưng”. Thời đại mà nằm trên giường ngủ cũng có thể tham chiến với tên lửa tự động tìm mục tiêu, những thiết bị hủy diệt không người lái hoạt động trên mọi địa hình. Tất cả đều được lập trình chỉ với cái điều khiển như khi bấm mở ti vi, máy lạnh. Thời đại của trí tuệ nhân tạo và sức mạnh thao túng tâm lý của truyền thông xã hội trên các nền tảng số khổng lồ, khiến con người ngày càng yếu đuối và bị lệ thuộc.
Thời đại của nền văn hóa thương mại, hầu như mọi giá trị đều quy ra tiền và mang tính khiêu khích. Để sản sinh ra bao thứ quá đà, thậm chí quá lố mà nhiều khi vẫn mang danh những trường phái, chủ thuyết cũ.
Những năm 20 của thế kỷ 21 này, nên gọi bằng cái tên gì?