Thực ra theo lộ trình phải đến giai đoạn 2 vào tháng 9/2026 sóng 2G mới tắt hoàn toàn trên cả nước, do còn một số vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, một bộ phận người già, người khó khăn vẫn còn dùng công nghệ đời cũ này. Độ lùi thời gian để các địa phương, các nhà mạng hỗ trợ miễn phí điện thoại thông minh sử dụng 4G, 5G cho toàn bộ người dân.
Đồng nghĩa với những chiếc điện thoại ‘cục gạch’ cũng chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình.
Nhớ chiếc điện thoại Nokia Ericsson T68 màu bạc đầu tiên trong đời từ đầu thập niên 90’ thế kỷ trước. Cùng lúc với sự ra đời của công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 2 (2G), thế hệ mạng di động đầu tiên sử dụng kỹ thuật số để truyền dữ liệu. Nhớ những cuộc gọi chập chờn mà hết sức cần kíp trên những nẻo đường tác nghiệp. Nhớ những mẩu tin nhắn SMS đầu tiên trên màn hình trắng đen bằng hai ngón tay, con chữ to đùng nhưng số lượng kí tự cho phép lại hết sức hạn chế. Buổi đầu bước vào nghề báo gắn với ‘cục gạch’ ấy. Với chiếc máy ghi âm to bằng cuốn sổ tay, nhét vào đó cái băng cát xét chạy lạch xạch. Giờ sau hơn 30 năm, tôi vẫn còn giữ một số cuốn băng ngày xưa, nếu mở ra được hẳn sẽ nghe lại những giọng nói của mình và những người khác một thời thanh xuân. Nhớ cái máy ảnh Zenit đầu tiên chụp phim trắng đen, rồi chuyển sang loại Praktica lên phim xành xạch. Chiếc Walkman đầu tiên có thể vừa đi vừa nghe nhạc... Tất cả cứ lui dần, chỉ còn trong hoài niệm.
Hoài niệm, còn gọi là hội chứng hoài niệm, từ lâu được giới y khoa xem là một bệnh lý thần kinh, tức bệnh tâm thần. Thời hiện đại, khoa học tâm lý phát triển, nên hoài niệm được nhìn nhận tích cực hơn, không còn là một loại ‘bệnh’, nhưng cũng cần...hết sức cảnh giác!
Hà Nội vừa phục dựng lại một Hà Nội xưa thu nhỏ. Chùa Cầu Hội An vừa trùng tu, bảo tồn theo nguyên gốc hơn 400 năm trước, mà thiếu mất mấy vạt rêu phong dư luận đã kêu ầm. Khắp nơi phục dựng từ những làng nghề truyền thống, chợ quê, cây đa bến nước, sân đình đến những làn điệu cổ xưa... Chính là hoài niệm đấy! Nghĩa là con người không thể nào từ bỏ quá khứ, tuyệt giao với kí ức.
Nhân loại vừa choáng váng xem Elon Musk trình diễn một thứ ‘phép thuật’ ngoài sức tưởng, đó là sau khi phóng tên lửa lên vũ trụ, đã ‘hút’ trở lại phần tầng đẩy khổng lồ dài tới hơn 70m quay ngược trở về mặt đất nằm gọn trong đôi tay robot như người ta đón bế một chiếc gối bông. Thời đại AI đã bắt đầu làm thay một cách xuất sắc hơn nhiều mọi công việc của con người, mọi áp lực dồn nén khiến con người bị mắc kẹt. Thì hoài niệm là gì nếu không là một phương thuốc giảm đau và ‘chữa lành’ cho chúng ta? Trong chừng mực nào đó. Khi những cái đầu siêu phàm như Elon Musk vẫn đang lao tới, chưa đến lúc nghĩ ra cỗ máy quay ngược lại thời gian giúp con người trở nên trấn tĩnh hơn.
“Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa” (thơ Boris Kornilov, Bằng Việt dịch). Dù khác bao nhiêu, thì vẫn phải là bài hát và giọt nước mắt của con người.