Bụi người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi đang ở Hà Nội, mấy ngày nay. Thủ đô bảng lảng khói sương. Qua hồ Tây, hồ Gươm dù đã gần trưa, trời ấm nhưng lâu lâu mới hé ra được tí ánh nắng, từ mặt nước tới không trung vẫn cứ "mờ mờ nhân ảnh". Thi vị quá phải không?

Đọc báo, thấy đưa tin mấy buổi sáng nay ô nhiễm không khí tại Hà Nội lại xếp tốp đầu thế giới chỉ sau vài nơi như Delhi của Ấn Độ, Lahore của Pakistan. Bạn bè thì bảo, Hà Nội có 5 mùa, cứ từ tháng 10 đến khoảng tháng 3 năm sau là mùa bụi mịn. Nhiều đứa bạn, đứa em đã phải đưa cả gia đình Nam tiến, vào miền Trung, miền Tây kiếm nguồn không khí dễ thở hơn. Tôi cố lục kí ức để hình dung hơn nửa thế kỷ trước trung tâm Hà Nội nơi tôi sinh ra lớn lên, màu trời nó thế nào. Thì nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Thi “Sáng mát trong như sáng năm xưa/Gió thổi mùa thu hương cốm mới”...

Lại đọc báo. Thấy Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa đề xuất thí điểm biện pháp rửa đường, phun sương tự động để giảm thiểu bụi mịn trong những ngày cao điểm ô nhiễm, trong khung giờ từ nửa đêm về sáng. Cùng với đề xuất hạn chế nguồn phát thải bụi mịn chính từ ô tô, xe máy. Bằng cách siết chặt các quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phân vùng và thu phí các loại xe vào nội đô. Những câu chuyện vẫn “đến hẹn lại lên”.

Thì bụi vẫn là bụi thôi. Nhớ truyện ngắn Nhân sứ trong tập “Hạt bụi người bay ngược” của nhà văn Hòa Vang. Truyện như những tản văn đầy chất liêu trai cùng nỗi niềm tự sự về cõi nhân sinh. Kim Thân La Hán Sa Ngộ Tĩnh là hình mẫu nhạt nhẽo nhất trong số bốn thầy trò Đường Tăng. Nhưng sự nhạt nhẽo ấy oái oăm mới “đích thực là con người”. Sa La Hán xin Phật Như Lai được phế bỏ mọi công lực thần thánh để về làm một thường dân ngày ngày quăng chài trên sông nước, đầm ấm vợ con. Cảnh họ Sa nhập vào đoàn người nơi xa xa hạ giới kia thật siêu thực “tít tắp dưới kia - nơi đám bụi vẩn hồng hồng vừa khỏa lấp, vừa thâu nhận thêm một hạt bụi người...”.

Hơn 30 năm trước, tôi gặp Hòa Vang và nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc khi hai ông ghé Huế trên hành trình đi bộ xuyên Việt. Giờ cả hai đều đã là những hạt bụi lơ lửng cõi nào đó giữa không trung. Những văn nhân tài hoa đầy cá tính ấy có chịu hòa chung kiếp bụi mịn không?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 7 triệu người chết vì tiếp xúc với bụi mịn.

Con người hít thở, ăn uống ngày càng siêu thực. Hít vào kiếp trước, thở ra kiếp sau. Và giờ đây con người ta chọn được băng qua lò lửa để trở thành cát bụi nhiều quá, sau khi giã từ cuộc thế.

Cát bụi chân ai...

MỚI - NÓNG