Nỗi lo quanh bữa ăn học đường

TP - Mỗi ngày học sinh tới trường, chúng ta lại lo ngay ngáy về sự an toàn của bữa ăn ở trường học. Khi có vài vụ ngộ độc ở trường học, vấn đề lại được xới lên rồi nhanh chóng xẹp xuống.

Trong quá trình thâm nhập các công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho trường học ở Hà Nội, PV Tiền Phong dễ dàng chứng kiến cảnh nhân viên các công ty này đi mua gom thực phẩm từ các sạp hàng ở chợ rồi về gắn mác công ty. Giả thiết rằng, nếu có vụ ngộ độc xảy ra, chúng ta có cách nào để tìm ra nguồn gốc thực phẩm và nguyên nhân của vụ ngộ độc? Về mặt quản trị xã hội, thật khó có thể chạy theo, kiểm tra những công ty, những cá nhân đi mua gom như thế.

Chưa kể, việc chọn đơn vị cung cấp nào, điều kiện ra sao, có đấu thầu hay không, chưa có quy định rõ ràng. Từ đó, nảy sinh nguy cơ tiêu cực khi chọn đơn vị cung cấp, cắt phần trăm, hoa hồng và bữa ăn học đường lại bị teo tóp, mất an toàn.

Trong cuộc hội thảo về dinh dưỡng quốc tế do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản tổ chức mới đây, câu chuyện về bữa trưa học đường ở Nhật khiến cử tọa ngạc nhiên. Sau Thế chiến thứ II, trong muôn vàn khó khăn, người Nhật quyết tâm cải thiện chiều cao, thể lực cho người dân.

Với sự hậu thuẫn rất lớn của Nhật Hoàng, người Nhật thực hiện kế hoạch đó thông qua việc nâng cao chất lượng, luật hóa bữa ăn tại trường học. Bữa trưa tại trường của học sinh Nhật không chỉ là bữa ăn mà còn là phương thức dạy cách ăn uống hợp lý khi lớn lên, để “có một cuộc đời trọn vẹn”. Hiện Nhật là quốc gia có chiều cao trung bình vào hàng đầu thế giới.

Cũng tại hội thảo này, chuyên gia đến từ Mỹ nêu rằng, họ đã xây dựng tiêu chuẩn bữa ăn học đường, kiểm soát căng tin, kiểm soát quảng cáo thực phẩm quanh trường học để giảm thiểu các thực phẩm nhiều mỡ, nhiều đường và lượng calo hợp lý. Vậy nên, người Mỹ và châu Âu có một thói quen, trước khi ăn uống thứ gì, họ đều nhìn nhãn mác xem thứ đó có thành phần gì, có bao nhiêu calo.

Việt Nam chúng ta tự hào có nền ẩm thực phong phú. Tuy nhiên, trong mỗi người, mỗi gia đình lại ăn uống khác nhau tùy theo thói quen và điều kiện kinh tế. Báo cáo mới nhất của Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi ở mức 18,2%. Bên cạnh đó, tình trạng béo phì tăng đáng báo động, từ 6,5% năm 2013 tăng lên 9,5% vào năm 2023 (tăng 1,5 lần).

Để giải quyết các vấn đề về mất an toàn, mất cân bằng dinh dưỡng học đường nêu trên, phương án hiệu quả nhất là cần sớm tiêu chuẩn hóa, luật hóa để quản lý bữa ăn học đường như các nước đã làm. Qua bữa ăn học đường, trẻ em sẽ được học, thực hành nếp ăn uống an toàn, hợp lý, sử dụng các thức ăn bản địa, truyền thống…

Bữa ăn học đường sẽ lan tỏa sang bữa ăn gia đình, lan tỏa từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác và hình thành nên triết lý ăn uống của cả dân tộc.

MỚI - NÓNG