Ngữ liệu mới, sợ gì

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những tranh cãi về đề Văn dường như không có điểm dừng. Mới đây, dư luận lại bùng lên chỉ trích vụ “phông bạt” trong đề kiểm tra giữa kì lớp 10 tại một trường ở TPHCM. Đề chỉ có một câu, ngắn gọn: “Hãy viết bài nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”.

Là đề kiểm tra thời gian làm bài 45 phút, nên chỉ có một câu là hợp lý. Cá nhân tôi đánh giá đề này ổn, về chủ đề rất đáng quan tâm, khiến học trò hào hứng động bút với vô số dẫn chứng sát sườn. Dư luận cho rằng “phông bạt” là từ lóng mới xuất hiện, thiếu chuẩn mực, và sợ học sinh không hiểu... Nói vậy là coi thường lứa 17, 18 tuổi bây giờ quá. Chúng bắt trend còn siêu hơn "người lớn" chúng ta đấy. Chỉ có điều hai chữ “phông bạt” trong đề nên để trong ngoặc kép, kèm theo dấu sao (*) để giải thích bên dưới, thì sẽ chặt chẽ hơn, thay vì chỉ in nghiêng

Bước vào chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giáo viên dạy Văn hiện đang ráo riết săn tìm ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa cho các đề thi, kiểm tra. Đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi người dạy có hứng khởi tìm tòi cái mới thì mới truyền lửa cho học trò được. Học trò có hứng khởi thì văn chương mới đọng lại trong tâm hồn các em được.

Sau đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Văn, cùng một số đề gây tranh cãi như đề “phông bạt” kể trên, nhiều người đã lo lắng về “hệ lụy” khi dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Có những giáo viên còn đề nghị Bộ GD&ĐT “nên có quy định thống nhất về ngữ liệu, về những tác giả đã được thẩm định, những tác phẩm đã được thời gian trả lời”. Việc ra quy định như vậy rất dễ quay lại nếp cũ thời văn mẫu, nếu áp đặt một cách máy móc.

Với những ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa, tôi cho rằng chẳng có gì phải lo lắng thay cho học sinh. Nếu để ý vào sự thay đổi của cấu trúc ra đề. Như đề tốt nghiệp môn Văn kiểu cũ năm ngoái, thí sinh bị “đặt cược” tới nửa số điểm tuyệt đối toàn bài thi (5 điểm) vào một câu mang thao tác phê bình văn học không hề đơn giản về đoạn trích Đất Nước. Còn với cấu trúc đề mới áp dụng từ kì thi tới, gánh nặng đó không còn. Sẽ không còn cảnh học sinh cắm đầu viết tràng giang đại hải tới 5-7 trang về một trích đoạn đã được học tủ từ lâu. Mà tập trung về kỹ năng nắm bắt thông điệp chính của ngữ liệu, cùng một số diễn giải cơ bản theo những câu lệnh hết sức ngắn gọn, cụ thể. Điểm số cũng được chia hợp lý nhẹ nhàng cho mỗi câu. Cấu trúc này gần hơn với cách ra đề của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến.

Cá nhân tôi mới đây có một tản văn được trích chọn làm ngữ liệu cho bài kiểm tra môn Văn giữa kì khối 11 ở một trường tại TPHCM. Dù ngữ liệu chỉ mới được đăng báo trước đó chưa đầy một tháng, nghĩa là rất mới, nhưng phản hồi từ cô giáo, thì các em đều hào hứng và làm bài tốt.

Không thể kéo dài tình trạng như suốt mấy chục năm qua, thầy cô giáo mỗi khi ra đề cứ phải bóp đầu vật vã tìm câu lệnh có vẻ “mới mới” một chút cho những tác phẩm đã đóng đinh quá lâu trong sách giáo khoa. Để rồi văn mẫu mặc sức hoành hành, trong khi đời sống văn chương đã đi đến tận đâu rồi.

Khởi đầu nào cũng khó khăn. Nhưng hãy tin vào cái mới, tin vào học trò.

MỚI - NÓNG
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
Vì sao chưa áp Tết đã hết vé tàu?
TPO - Mặc dù chưa áp Tết nhưng nhiều chuyến tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé chiều từ Nam ra Bắc, giá vé tàu năm nay cũng tăng cao so với năm ngoái do có sự thay đổi khác biệt về ghế ngồi.