Chống ô nhiễm không khí: Sẽ áp quy chuẩn khí thải xe máy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11, Bộ TN&MT đề xuất hai nhóm giải pháp lớn, trong đó có áp dụng quy chuẩn khí thải xe máy.

Ô nhiễm gia tăng

Chiều 14/11, Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.

Chống ô nhiễm không khí: Sẽ áp quy chuẩn khí thải xe máy ảnh 1

Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí trầm trọng. Ảnh: Mạnh Thắng

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2,5. Dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội có sự phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19. “Ngay trưa nay, cơ quan truyền thông cũng đưa tin về ô nhiễm không khí tại Hà Nội”, Bộ trưởng nói.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT, chia sẻ, ô nhiễm không khí ở Việt Nam có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10-11 của năm trước, kéo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông cao, nhiều cơ sở sản xuất.

“Trong ngày, mức độ ô nhiễm cũng dao động, tập trung vào 6-8h và 17-19h. Tại hai thành phố lớn (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), mặc dù phạm vi, số lượng và mật độ các nguồn phát sinh khí thải của thành phố Hồ Chí Minh lớn hơn thành phố Hà Nội, nhưng mức độ ô nhiễm của khu vực thành phố Hà Nội lớn hơn do chịu tác động lớn của điều kiện khí hậu, thời tiết bất lợi”, ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết các quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.

Theo Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy, cần phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Xây dựng quy chuẩn khí thải xe máy

Theo ông Lê Hoài Nam, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, Bộ TN&MT đề xuất hai nhóm giải pháp lớn gồm các giải pháp cấp bách và nhóm giải pháp lâu dài.

Về nhóm giải pháp cấp bách, ông Nam cho biết, trước mắt sẽ rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí, trong đó, tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đồng thời, siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Ông Nam thông tin, thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ TN&MT đang xây dự thảo quy chuẩn khí thải xe máy và lộ trình áp dụng, sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành. “Đây sẽ là công cụ quan trọng kiểm soát nguồn ô nhiễm rất lớn, rất đáng kể ở Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý phạm, giám sát các nguồn thải khí thải, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Một giải pháp cấp bách nữa, theo ông Nam, là ưu tiên bố trí ngay nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ, vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối theo quy định về Sở TN&MT và Bộ TN&MT liên tục, không bị gián đoạn. Đồng thời tăng cường mạnh mẽ công tác thông tin, truyền thông về chất lượng môi trường không khí.

Bên cạnh các giải pháp cấp bách, Bộ TN&MT cũng đề xuất nhóm giải pháp lâu dài. Trong đó có việc triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh đã được phê duyệt. Xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn. Đẩy mạnh đầu tư và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ. Hạn chế dần việc xây dựng và sử dụng các nhà máy nhiệt điện than vì đây là nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm không khí.

Đặc biệt, theo Bộ TN&MT cần xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao và phủ sóng khắp các khu vực đô thị, giúp người dân có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân. Trong đó có việc thiết lập các khu vực hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố. Khuyến khích sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ bao phủ rộng, thuận tiện cho người dân.

MỚI - NÓNG