Nhiều bệnh nhân nghèo không may phải phẫu thuật, dùng thuốc đặc trị có khi phải tìm tới bệnh viện tư với chi phí cao. Tâm sự của bác sỹ ở một bệnh viện công tuyến tỉnh phải mang chiếc khoan sọ bằng tay (thay vì điện) cổ lỗ sỹ ra cửa hàng cơ khí sửa; hay ngay tại Bệnh viện Mắt Trung ương, bác sỹ phải mua cả bông tẩm cồn, kim tiêm cho bệnh nhân thật xót xa. Nhiều bác sỹ giấu tên kể với tôi rằng, “vấn đề đấu thầu vật tư thiết bị y tế” tại chính bệnh viện họ luôn nhạy cảm trong các cuộc họp nội bộ. Trước thực tiễn như vậy, nhưng đề cập tới việc này, lãnh đạo lại “giãy nảy”. Hệ quả, nhiều bác sỹ giỏi tay nghề tìm cách chuyển sang bệnh viện tư; người có lương tâm, đạo đức tiếp tục sống trong tâm tư: khuyên bệnh nhân nặng sang bệnh viện tư mới có thuốc điều trị thì áy náy chi phí, để lại thì biết khi nào khỏi. Một vấn đề nhưng liên quan hai “sinh mệnh”: bệnh nhân và bác sỹ.
Sự lãng phí của hai bệnh viện công Bạch Mai 2, Việt Đức 2 là điều được dư luận nhắc thường xuyên. Trước phiên chất vấn, bên hành lang, trong thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng đề cập… Báo chí nhắc ròng nhiều năm trời, nhưng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan không thấy những từ khóa liên quan.
Khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang trả lời chất vấn trên nghị trường, giá vàng sau “thăng thiên” đã đảo chiều. Chống “vàng hóa nền kinh tế” là một chủ trương trúng, nhưng giải pháp dùng các ngân hàng cổ phần nhà nước bán vàng bình ổn vẫn chỉ là tình thế. Nếu hỏi Thống đốc vì sao mấy ngân hàng này chỉ bán, chứ không mua, thì không có gì mới về mặt thông tin. Câu trả lời dạng này, lãnh đạo ngành ngân hàng đã giải đáp liên tục trước đó. Vướng mắc nhất lúc này phải là bao giờ sửa Nghị định 24 (quản lý thị trường vàng) và hướng sửa đổi cụ thể ra sao? Ai thực sự đang thao túng thị trường vàng khiến nhiều người dân chỉ thích tích tụ kim loại hiếm này? Công cuộc thanh tra các doanh nghiệp vàng đã phát hiện điều gì?
Quốc hội kỳ này bàn nhiều về lãng phí như một điểm nhấn. Giải pháp chiến lược là phải phá bỏ được tư duy nhiệm kỳ (đây cũng là một dạng lãng phí cơ hội). Cử tri quen nghe các giải pháp tình thế, thậm chí đối phó, nhưng cũng cần thấy giải pháp lâu dài; cần thấy cả việc giải trình công khai những việc tư lệnh ngành đã hứa cụ thể có đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực hay không. Nếu không, sau mỗi kỳ chất vấn, người ta chỉ nhớ về hình ảnh ông/bà mặc quần áo gì, tóc tai thời trang ra sao, cầm văn bản đọc vanh vách thế nào…