“Nhé” và “ạ” là hai từ đệm có tính chất khẩu ngữ đặt ở cuối câu, chỉ hai sắc thái sử dụng khác nhau, một bên dùng chỗ ngang hàng thân mật, một bên kính trọng kẻ dưới người trên, không ai nhập chung. Thế nhưng văn hóa công sở của những gen Z lôi tuột cả hai chữ vào một rọ. Có người bảo đó là văn chát, đâu phải văn viết mà soi. Nhưng đặt trong bối cảnh câu chuyện tiếng Việt bây giờ, không soi không được.
Trò chơi truyền hình Vua tiếng Việt trên VTV3 vừa tái xuất mùa 3 đã lại bị nhặt sạn. Mới đây nhất, chương trình kết luận chữ “chương” trong “chương mỡ” là sai chính tả, mà phải viết là “trương” mới mang ý nghĩa của trương phềnh, trương nở... Thế nhưng nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã dẫn ra hàng chục cuốn từ điển, để khẳng định dùng chữ “chương” ở đây cũng không hề sai chính tả. Rằng sách từ cổ chí kim đã ghi nhận cả “trương” và “chương” đều có nghĩa là phềnh lên, chướng lên, nở ra, phình to,…
Ngôn ngữ luôn trong tiến trình chọn lọc tư nhiên, phái sinh để phát triển thích ứng với xã hội và thời đại. Các từ điển luôn được cập nhật, nhiều từ cũ bị biến mất. Như Từ điển tiếng Anh Oxford mỗi năm bổ sung hàng ngàn từ mới. Nên có thể những từ ngữ cũng như cách viết ít thông dụng hơn sẽ dần bị “lãng quên”, như hai chữ “chương” và “trương”. Nhưng với một chương trình trên truyền hình quốc gia, dù chỉ là một gameshow, cũng phải thấu đáo lường trước mọi tình huống, nhất là khi đã mạnh dạn xưng “vua” tiếng Việt.
Đang râm ran khắp nơi chuyện sáp nhập, đổi tên làng xã. Xã Quỳnh Đôi nổi tiếng nhân kiệt thuộc huyện Quỳnh Lưu xứ Nghệ sáp nhập với xã Quỳnh Hậu dự kiến lấy tên xã Đôi Hậu. Hai xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ ghép lại thành xã Hoa Mỹ. Tại huyện Thanh Chương, hai xã Thanh Giang và Thanh Mai sáp nhập lấy tên (dự kiến) là Mai Giang. Thị trấn Diên Khánh nổi tiếng ở Khánh Hòa sẽ mất tên, thay vào đó là đơn vị hành chính mới: phường Phú Thành. Ở quận Đống Đa (Hà Nội), hai phường Quốc Tử Giám và Văn Miếu chưa thống nhất được tên gọi mới...
Ngoài yếu tố lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa, ở đây còn là câu chuyện về ngôn ngữ. Việc ghép chữ một cách cơ học, khiên cưỡng đã cho ra những danh từ xa lạ, vô hồn, thậm chí vô nghĩa, phản nghĩa. Và vượt lên tất cả, những tên làng tên xã đã trở thành tâm hồn theo suốt cuộc đời ta, ngân vang thăm thẳm.
Chúng ta đã mất đi rất nhiều địa danh mang tính lịch sử, văn hóa quý hiếm và độc đáo. Nhiều nơi đặt tên đường phố xa lạ với bản địa, còn thôn xóm được đánh số thứ tự lạnh lùng. Tới đây hàng loạt những địa danh nổi tiếng mang tính lịch sử như Cầu Dền, Quỳnh Lôi, Ngã Tư Sở, Đống Mác, Chàng Sơn, Hà Hồi, Vạn Điểm, Hòa Xá, Tích Giang (Hà Nội), Đào Thịnh (Yên Bái, với thạp đồng Đào Thịnh có niên đại trên 2.000 năm), Cổ Am (Hải Phòng),…gắn với các đơn vị hành chính cũ sẽ bị mất đi. Như một thời các huyện Hiên, Giằng ở Quảng Nam bị biến thành Đông Giang, Nam Giang.
Khi sáp nhập đơn vị hành chính, các vị có chức trách nên lưu tâm tới hồn cốt và bản sắc của mỗi địa danh nhé ạ!