Chuyện ở thành phố cấm xe máy

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (Ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong).
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (Ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong).
TPO - Xe máy sẽ biến mất tại Hà Nội vào 2030. Đó là tinh thần dự thảo đang được lấy ý kiến trình thành phố thông qua. Phương tiện giúp đại đa số dân Việt đi lại và mưu sinh liên tục bị coi là chính phạm gây tắc đường và tai nạn. Cũng đúng thôi, phương tiện phổ biến nhất đương nhiên công/tội cũng nhiều nhất. Nhưng đổ cho xe máy làm tắc đường là rất oan. Tắc trước hết vẫn từ trong ý thức của người đi đường và “bám” đường.

Hằng ngày đi trên một con phố không vỉa hè dẫn vào trung tâm Hà Nội, tôi vẫn thấy vô số lần đường (thêm) tắc chỉ vì một chiếc xe máy đỗ tùy hứng. Một lúc sau mới thấy chủ xe bình tĩnh đi ra nhích cái đuôi xe vào. Tương tự với xế hộp. Trường hợp này tội bốn bánh to hơn vì chiếm chỗ hơn hẳn. An nhiên trụ lại bên dòng xe xả khói nồng nặc là người bán hoa quả. Họ chưa bao giờ có ý định thụt các thứ thùng thúng trên lòng đường của mình vào. Cái xe rác đầy oặp kế bên cũng không thể tự bò đi đâu được. Thêm bà nội trợ tấp vào mặc cả nữa là nghiễm nhiên cả trăm người khác cứ đợi đấy.

Xe buýt muốn đi trên con đường này thường xuyên phải cảnh giác các thể loại biển hiệu thi nhau nhô ra từ cả dưới thấp và trên cao. Mọi nhà mặt đường đều bán hàng và chung một tư duy: càng lấn được nhiều diện tích công thì doanh số càng tăng(?)

Tắc đường không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn bào mòn sức khỏe ai cũng hiểu. Nhưng thời gian tắc trên đường tôi đi hình như đang có xu hướng giảm. Chả là người đi dần rút kinh nghiệm, biết nép vào đúng phần đường. Thỉnh thoảng lại thấy một đại hiệp (không phải công an) cao hứng đứng ra phân làn. Ấy thế mà mới tuần trước, lúc xẩm tối, dừng đèn đỏ ở ngã tư, một nam trung niên chỉ nhắc nhỏ một nữ trung niên rằng cô đang lấn đường, cô kia vừa lách ra khỏi chỗ tắc bèn nổi quạu. Và chửi, kiểu: “Bà thích thế đấy, mày có muốn… không??”. Người ngồi sau có ý can ngăn, cô lại càng già mồm.

Nguyên nhân sâu xa của những bất trắc trên đường chính là do cái “dã tâm” ấy. Khi người ta còn ra đường với bản năng hoang dã, quyết ăn thua. Xe máy từng là cả một gia tài thì bây giờ với đa số chỉ là phương tiện đi lại. Nhưng với nhiều người, chiếc xe vẫn như danh dự, nhân phẩm của họ vậy. Chỉ cần nó trày xước móp méo một tí, họ lên cơn ngay. Nhiều trường hợp đổ máu thậm chí chết người không phải do tai nạn mà do chủ xe đánh nhau. Tóm lại bao giờ đường không phải chiến trường và người đi đường không còn là chiến binh thì tai nạn và tắc đường sẽ giảm thiểu chứ chẳng thể do cấm xe máy hay ô-tô.

Trước lệnh cấm vẫn lơ lửng trên đầu những người đi xe máy nhiều năm nay, một độc giả tên An ở TP.HCM cho rằng nếu cần nên cấm xe cá nhân nói chung, giảm cả xe công và quan chức cần nêu gương dùng phương tiện công cộng: “Khi đó (lãnh đạo) sẽ hiểu nỗi khổ vì sao dân không đi phương tiện công cộng cũng như hạn chế của nó, qua đó từ từ mà khắc phục.” Một chuyên gia ủng hộ cấm xe xe máy mơ màng nghĩ tới cảnh người dân sẽ đạp xe ra bến để gửi rồi bắt buýt đi làm, như Tây. Vâng, nếu quỹ đất kim cương của Hà Nội còn moi móc được các bãi gửi xe đạp. Lũ lượt đi bộ đến bến tàu/xe cũng không dễ, vì làm gì có đủ vỉa hè.

Xe máy chả tự nhiên sinh ra. Nó được lựa chọn vì tính cơ động và kinh tế, phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông công cộng yếu kém. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, giao thông công cộng của Hà Nội hiện chỉ đảm nhận cùng lắm 10% nhu cầu đi lại, và với đà này, đến 2030 cũng chỉ đáp ứng 20- 22%. Vậy 80% dân đi lại bằng gì khi xe máy bị cấm? Ông cũng khẳng định, ô-tô mới là phương tiện chiếm nhiều diện tích mặt đường và gây ô nhiễm hơn. Theo ông, Hà Nội cần học lại bài của Trung Quốc và Myanmar cấm xe máy, kết quả lượng ô tô lưu thông tăng vọt, tỷ lệ thuận với ô nhiễm và tắc đường.

Tôi từng nếm cảm giác tắc đường khi ra sân bay Yangon, trân mình chịu nắng gắt xuyên thẳng vào người hàng nửa giờ trong taxi. Taxi Yangon đa phần cũ nát, không điều hòa, dù hạ kính vẫn hôi khủng khiếp, nhất là nếu tài xế nghiện trầu. Những khi không bắt taxi, lại mất thời gian đi bộ trong thời tiết nắng nóng. Do phương tiện hạn chế, tôi không đi thăm thú được nhiều nơi, đồng nghĩa với mua sắm ít hơn và giảm thời gian lưu lại thành phố này. Xe máy bị cấm ở nội đô Yangon, chỉ nhân viên chính phủ, bao gồm cảnh sát hoặc thợ điện, đưa thư… là được đi, nhưng không được đèo thêm người.

Trong khi cảnh sát Yangon nói lệnh cấm ban hành năm 2003 do người đi xe máy không chấp hành luật lệ giao thông gây nhiều tai nạn, thì trong dân lại có nhiều lời đồn khác. Mọi thứ rất có thể bắt đầu từ việc mấy thanh niên có lần chạy xe máy ngang với ô tô chở đại tướng và làm một động tác khiêu khích (đâu như bắn súng bằng tay). Lại nghe nói do những người xe máy từng tham gia rải truyền đơn đòi dân chủ, hoặc tại con trai của một vị tướng đã bỏ mạng trong tai nạn xe máy.

Bất chấp khả năng bị phạt hơn 50 ngàn kyats (tương đương gần 1 triệu đồng) nếu bị bắt, một số dân Yangon vẫn đi xe máy. Thanh tra cảnh sát Hlaing Win Aung nói với tờ The Global New Light of Myanmar: “Dân quận này nghèo. Họ làm sao mua nổi ô tô, nên phải dùng xe máy thay taxi để dễ dàng mưu sinh. Xe máy tốt cho việc làm ăn của họ, nhưng với tôi thì không.” Rõ ràng dân Yangon càng đi xe máy lậu thì cảnh sát càng bị khiển trách. Trong khi trên toàn cõi Myanmar, xe máy vẫn trên đà trở nên “tốt” hơn.

Tóm lại cấm thứ gì đó vì nó quá nhiều, không quản được hoặc đơn giản thích thì cấm- lợi bất cập hại. Trong trường hợp xe máy, nó thể hiện sự bất lực hoặc thiếu sâu sát của người cấm. Sao anh không cấm ô tô tăng giá, cấm hệ thống giao thông công cộng phát triển chậm tiến độ, cấm lấn chiếm vỉa hè lòng đường… trước đi?!

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.