Xà cừ đắc tội gì với Hà Nội?

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong)
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong)
TPO - Nắng như đổ lửa trên con đường huyết mạch từ Mandalay tới Sagaing chạy xuyên qua một vùng nước lớn nhưng đang mùa cạn. Người dân bán nông sản trồng trên những bãi bồi ngay bên đường. Cũng ngay bên đường, tôi giật mình bắt gặp những thân cổ thụ mà tầm vóc chắc phải sánh ngang với cây rừng Cúc Phương. 

Chúng hẳn phải có ở đó trước con đường, trước cả khi những con người đầu tiên đến khai phá đất này. Nhiều thời đại đã qua, bao đế chế đã lụi tàn, chúng vẫn đó. Hoặc nói cách khác, cư dân nơi này vẫn giữ chúng lại. Qua đó, họ thể hiện sự kết nối không gián đoạn với tự nhiên, với lịch sử. Là du khách, tôi cũng phần nào cảm thấy được kết nối. Và tôi lại có thêm một ấn tượng đẹp về Myanmar.

Đứng trước một thân đại mộc, con người bao giờ cũng có chút e dè. Vì quá to để chỉ là một cái cây, trong nhận thức của người xưa, nó sẽ thành cây thần, hoặc nơi cư ngụ của những linh hồn… Có quá nhiều sức sống tuôn trong thân cây cao lớn nhường kia. Qua chúng, tự nhiên thể hiện sự áp đảo về chiều kích đối với con người. Chúng đã đạt đến một tầm mức tinh thần nào đó khiến cho ai dám chặt chúng phải mặc cảm tội lỗi, thậm chí có thể phải chịu quả báo.

"Những cây này đã đạt tới độ tuổi khiến chúng không thể thay thế được. Chúng là nơi sinh sống của nhiều loài côn trùng, nơi kiếm ăn của chim chóc và cũng tạo ra các hành lang bảo vệ môi trường”- lời chuyên gia an toàn đường bộ thuộc Ủy ban Châu Âu Chantal Pradines trước tin chính phủ Pháp định chặt hàng nghìn cây xanh bên đường. Chúng bị đổ tội làm tăng lượng người chết do đâm xe vào thân cây. Vâng, chẳng may cây sống quá thọ, từ thuở người ta còn đi xe ngựa…

Hơn một vạn dân Pháp ký vào hai đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ Pháp hủy bỏ kế hoạch này. Theo báo chí, số phận những hàng cây ven đường của nước Pháp đã được đưa lên bàn cân nửa thế kỷ nay. Thi sĩ Raymond Queneau từng “dỗi” thay cho cây: "Cây tiêu huyền không còn phát triển bên đường/ Chúng đã chuyển đến những nơi yên tĩnh hơn/ Chúng đã có đủ lần bị những chiếc xe đâm vào thân với tốc độ cao/ Chúng đã nghe đủ những quý ông quý bà cáo buộc chúng phải chịu trách nhiệm cho mọi tấn trò trên đời này…"

Những lời bênh cây trên đây hoàn toàn có thể áp dụng cho xà cừ Hà Nội. Sau hàng chục, hàng trăm năm gắn bó với thành phố, tự dưng xà cừ trở thành kẻ tội đồ liên tục bị dọa chém hàng loạt. Chúng đứng đầu bảng, chiếm đa số trong những danh sách nào là 6.700- 1.300 rồi 4.000 cây đường phố được cho là không phù hợp, vướng chỗ, cần phải thay thế. Cứ như thể trảm một cây to rồi gieo một mầm nhỏ xuống là đảm bảo như chưa có gì xảy ra.

Trong khi người dân nghe tới những con số ấy bèn rùng mình. Lý luận dân thường đơn giản lắm, cứ đứng chờ đèn đỏ giữa trời 50oC, sẽ hiểu sự khác biệt của một bóng cây. Nữa là hàng nghìn bóng cây, trong đó xà cừ thuộc loại cây có độ che phủ lớn. Vừa qua, Hà Nội có 2 người chết ngoài đường nghi do nắng nóng. Ở Hải Dương ngày 6/6, ông Hân, 62 tuổi, đang dắt xe máy bị xịt lốp trên quốc lộ 5 cũng ngã xuống, tử vong. Trước tin dữ, một độc giả bình luận: “Nếu dắt xe trong hàng cây thì ông không chết.” Vâng, rất có thể là như thế, nếu người ta bỏ được quan niệm: đường cao tốc thì không cần trồng cây.

Ở Myanmar, người ta dựng hẳn sàn gỗ bao quanh những thân cây cổ thụ bên đường. Muốn nghỉ mát dưới bóng cây, tha hồ nằm xải lai trên những chiếc chõng hình bát giác như vậy. Bên đó, người đi đường có thể uống nước miễn phí bất cứ lúc nào vì sự hiện diện dày đặc của những bình nước công cộng, nơi thôn dã thì bằng gốm, nơi đô hội bằng inox. Nơi tập trung đông du khách, bình nước còn được lắp riêng cả máy lạnh. Đó là những giải pháp đơn giản để chung sống với khí hậu khô nóng. Việt Nam cũng bắt đầu có những bình nước công cộng. Chứng tỏ ý thức cộng đồng của dân ta đang được nâng lên. Và cũng còn vì trời ngày càng nóng và dân phải tự cứu lấy nhau.

Cây xanh gần công trình làm tăng giá trị bất động sản bình quân 14% ở Anh, và có thể lên đến 37% nếu ở Mỹ- theo KTS Trương Nam Thuận. Chưa hết, cây cạnh nhà còn có thể giảm chi phí sử dụng điều hòa tới 30%. Vì cây cung cấp bóng mát và tỏa ra lượng hơi nước tương đương vài trăm lít vào không khí mỗi ngày. Bây giờ thì bạn đã hiểu cùng với việc gia tăng bê-tông hóa, trải nhựa thêm nhiều con đường thì sự vắng bóng cây xanh chính là nguyên nhân làm nhiệt độ trung bình ở đô thị bao giờ cũng cao hơn nông thôn. Chả trách đợt nắng nóng kỷ lục đầu tháng 6/2017, Hà Nội dẫn đầu miền Bắc về nhiệt độ.

Một số “chuyên gia” cho rằng xà cừ không phù hợp để trồng ở đô thị. Vâng, có lẽ phải những đô thị quy hoạch kiểu Pháp với vỉa hè rộng rãi thì mới hợp. Hẳn là để chống chọi với cái nóng của miền nhiệt đới, người Pháp mới phải viện đến xà cừ. Và xà cừ sau đó vẫn được Hà Nội trồng tiếp. Để rồi đến bây giờ, chúng trở nên quá khổ, quá đông và quá… thân thiết để mà chặt bỏ.

Những người ủng hộ thay cây còn đưa ra lý lẽ: xà cừ có giá trị kinh tế thấp. Cũng như những người nhìn bồ câu chỉ thấy món chim quay, họ nhìn cây xanh chắc thấy ngay gỗ để bán. Với họ, những đường phố rợp bóng mát của Hà Nội khác nào những lâm trường đến kỳ thu hoạch. Xà cừ ở Hà Nội bị chặt có thể để lại cả vạn mét khối gỗ, bán đi được vài chục tỉ. Nhưng giá trị về môi trường mà cây chết mang theo không thể tính đếm. Chỉ tiêu cây xanh trên đầu người của Hà Nội vốn chưa bằng 1/10 so với chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp Quốc sẽ còn giảm đến đâu? Khoảng trống hàng nghìn cây xanh bỏ lại trên đường và cả trong lòng người Hà Nội sẽ đo lường thế nào?! Nếu vô phương ngăn chặn sự lan tràn của những khoảng trống đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhanh và mạnh, sẽ là bao lâu để thủ đô phát triển tới mức… hoang mạc??

MỚI - NÓNG