Khó bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo sản phẩm

TPO - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng, bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo sản phẩm “e rằng hơi khó”.

"Chẳng lẽ người nổi tiếng thừa nhận mắc bệnh?"

Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tại phiên họp, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, quảng cáo không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn liên quan đến văn hóa. Theo ông, nội dung quảng cáo trên không gian mạng hiện nay rất khó kiểm soát.

Khó bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo sản phẩm ảnh 1

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội). Ảnh: Như Ý

Do vậy, ông Sơn đề nghị, cần quy định chi tiết việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên không gian mạng để phù hợp với xu thế của thế giới cũng như thực tiễn hiện nay.

Đại biểu đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó có người truyền tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Theo ông, nếu không kiểm soát được quyền và trách nhiệm của đối tượng truyền tải sản phẩm quảng cáo này thì khó có thể kiểm soát được chất lượng quảng cáo như hiện nay.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) cũng đưa ra quan điểm về người truyền tải nội dung quảng cáo. “Một sản phẩm không vi diệu tới mức dùng xong có kết quả ngay. Ví dụ, mỹ phẩm sử dụng trong 1 tuần, 1 tháng không có kết quả ngay được. Để người đứng ra quảng cáo phải sử dụng sản phẩm, đó là mong muốn của chúng ta nhưng làm được cực khó”, bà Yến nêu.

Khó bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo sản phẩm ảnh 2

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM). Ảnh Như Ý

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cũng cho rằng, bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới quảng cáo “e rằng hơi khó”.

Theo bà, không có quốc gia nào hiện nay đưa ra yêu cầu tương tự. Chưa kể, thời gian bao lâu đủ để cảm nhận, cho kết quả của sản phẩm cũng là vấn đề.

“Chẳng lẽ người nổi tiếng thừa nhận mắc bệnh, đặc biệt khi quảng cáo các loại thuốc tăng cường sinh lý nam giới. Điều này rất phiền, làm sao để trả lời có kết quả”, bà Lan ví dụ, và đề nghị xem lại quy định này.

Nội dung "chèn" quảng cáo quá nhiều

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, cũng bày tỏ lo ngại vì nội dung quảng cáo bị chèn quá nhiều khi tiếp cận thông tin trên mạng. Theo ông, quảng cáo kiểu cưỡng bức này không chỉ gây bực bội cho người xem mà còn ảnh hưởng tới dung lượng mạng của người sử dụng điện thoại.

Đồng tình vẫn cho quảng cáo nhưng ông Đức đề nghị, hình ảnh, clip quảng cáo phải nằm cố định ở giữa trang, không được trượt, chạy theo màn hình. Chỉ khi người xem có nhu cầu bấm vào xem, quảng cáo này mới được phát. Cách làm như vậy sẽ “không làm rối trang”, khiến người đọc không phải tiếp nhận quảng cáo không mong đợi.

Quan tâm đến quảng cáo trên mạng xã hội, đại biểu Phan Thị Thanh Phương (đoàn TPHCM) phản ánh tình trạng nhiều clip ngắn lồng ghép quảng cáo vào nội dung. Loại hình quảng cáo này có sức lan tỏa rất lớn, đòi hỏi cần phải có sự quản lý tổng thể và áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát hiệu quả.

Bà Phương đề nghị cần điều chỉnh và bổ sung các nghị định dưới luật, tăng cường biện pháp xử lý làm gương nhằm nâng cao tính răn đe và hiệu quả thực thi.

Về trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm, bà Phương cho rằng, quy định này là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, luật chưa làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động quảng cáo.

“Người nổi tiếng khó có khả năng kiểm chứng những thông tin được cung cấp đúng hay không. Do đó, nếu quy trách nhiệm liên đới của họ, đối chiếu với Luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý khá nặng”, nhấn mạnh điều này, đại biểu Phương đề nghị phải quy định cụ thể trách nhiệm của nhãn hàng, doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG