Cỏ bên anh xanh hơn bên tôi

Tác giả Kiều Bích Hương.
Tác giả Kiều Bích Hương.
TPO - Gần đây, người ta thấy Manneken Pis- Chú bé tè ở Brussels “tè” ra sữa nhân Ngày sữa thế giới và truyền thông điệp kêu gọi quan tâm hơn vấn đề dinh dưỡng ở châu Phi. Một con bò ở châu Phi chỉ sản xuất 1- 2 lít sữa/ngày, trong khi bò Bỉ cho 25- 35 lít. Dùng bò so sánh đã thấy khác biệt quá lớn. Nhưng tôi nghĩ dinh dưỡng mới chính là câu chuyện khó tiêu hóa nhất.

Cũng đầu tháng 6, tôi đọc thông tin trên báo địa phương về ba người Trung Quốc bị phạt 15 tháng tù vì mang 2.063 con cá ngựa (trị giá khoảng 2 vạn Euro) qua sân bay Zaventem của Bỉ. Cá ngựa được sử dụng làm thuốc quý ở Trung Quốc, tại Việt Nam nuôi cá ngựa thương phẩm đang trở thành mô hình kinh tế hiệu quả. Nhưng vận chuyển cá ngựa khô kiểu này lại phạm luật quốc tế. Ba người Trung Quốc nọ trên đường từ Sierra Leone về Bắc Kinh, dừng giữa chặng ở sân bay Zaventem của Bỉ, thế là bị tóm. Họ khai hành nghề đánh bắt thủy sản ở Sierra Leone, thấy cá ngựa bị ngư dân địa phương vứt đi, trong mắt người Trung Quốc lại cực kỳ giá trị. Họ khăng khăng đã cần cù thu lượm cá ngựa bị vứt đi ở Sierra Leone suốt hai năm, giờ mang về làm quà cho gia đình và bạn bè ở quê nhà. 

Luật sư bào chữa phân tích đây là ba ngư dân học thức thấp, không hiểu chút gì về luật châu Âu cũng như các công ước quốc tế “Họ còn chẳng biết họ đang phạm luật nữa cơ.” Nhưng bên khởi tố khăng khăng buộc tội buôn lậu cá ngựa. Thôi thì mỗi nơi một luật, tôi không bàn. Nhưng tôi lại nghĩ nhiều về Sierra Leon. Một nước thuộc Tây Phi nghèo đến như thế, vùng khô hạn mỗi con bò chỉ cho 1- 2 lít sữa/ngàynhư thế, bắt được cá ngựa lại vứt đi. Trong mắt họ loài sinh vật biển này chẳng có chút giá trị dinh dưỡng nào. Cũng có thể mấy người Trung Quốc kia bịa chuyện, nhưng cái gọi là dinh dưỡng, quả thật mỗi nơi thấy bổ một kiểu.

Bây giờ tôi lại đâm lo, sắp về thăm quê hè này, mấy đồng hương ở đây đã nhắn nhe “Khi sang cầm giúp vài lạng sá sùng nấu phở nhé. Nhân sâm đất đấy, món nhà giàu ngày xưa, bổ cứ gọi là chân tay lúc nào cũng thấy thừa thãi.” Nghe nói giá một cân sá sùng phơi khô  giá trị đương tương chỉ vàng. Chắc phải đi tra sổ xem sá sùng có thuộc hàng cấm vận chuyển qua sân bay Âu không. Một anh bạn xua tay “Người ta vẫn mang đi Đức, Séc, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ... ầm ầm, bắt bớ gì đâu.”

Người gốc Việt ở đây dặn mang sá sùng sang châu Âu, còn người ở Việt thích săn quà gì từ Mỹ, Âu? Hỏi chị bạn gốc miền Tây sao năm nay chưa về được, định cư Mỹ cũng lâu rồi còn gì. Chị kêu “Chưa tích đủ tiền mua vitamin. Vitamin ai cũng thích, cũng xin.” Nghe chị kể nào vitamin chống lão hóa, hỗ trợ xương khớp, thuốc bổ tăng cường sinh lý, bổ não, sản phẩm thải độc chuẩn Mỹ chống lại thực phẩm bẩn... mà tôi hoa mắt, ù tai. 

Vitamin bên này cũng khá đắt tiền, thuộc danh mục thuốc bổ, không cần kê đơn, dễ mua về làm quà vì thế. Nhưng người bản xứ chẳng cuồng vitamin đến thế. Có chăng họ cuồng nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt điều độ. Công ty dạo này ít việc chứ gì, trả lương cho tôi bằng ngày nghỉ cũng được. Anh chị thích làm thêm giờ à, không chịu nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật? Khai ra đây để đánh thuế thật cao. Chất lượng cuộc sống còn ở chỗ anh được thư giãn đầu óc thế nào, cảm thấy thoải mái với hoàn cảnh thực tại ra sao chứ đâu phải trong ngăn tủ luôn chứa đầy vitamin. Dạo này anh hàng xóm còn giận nhà tôi. Vì lúc 8h30 thứ Bảy vừa rồi khi anh còn đang ngủ, ông làm vườn đã hăng hái bật máy cắt cây và cỏ dại phía sau nhà tôi. Anh phàn nàn “Ngày nghỉ, tôi ngủ đến trưa mà sáng ra đã làm ồn rồi”. Ông làm vườn gãi đầu gãi tai “Tôi tranh thủ làm sớm, chờ đến trưa anh mới dậy thì nắng quá.”

Chú họ của tôi, là bác sĩ nhưng luôn đồng tình với vợ “Bú sữa mẹ con còi lắm, phải sữa ngoại mới cao lớn, phổng phao.” Chẳng lẽ sữa mẹ không bằng sữa con bò? Chú tôi trịnh trọng giải thích “Nhìn chất lượng thực phẩm kiểu này thì lấy gì đảm bảo sữa mẹ đủ dinh dưỡng hả cháu?” 

Thế là bỏ tiền đắt gấp đôi gấp ba để mua sữa ngoại xách tay. Nhưng uống sữa của một con bò mỗi ngày cho 25- 35 lít có đảm bảo con bạn cải thiện chiều cao vốn là nỗi ám ảnh của không ít bà mẹ Việt? Trong lễ hội kết thúc năm học vừa rồi tại trường mẫu giáo và tiểu học nơi các con tôi theo học, tôi ngồi cùng mấy phụ huynh dưới bóng mát một cây sồi. Bà mẹ gốc Thái thủ thỉ “Hồi còn ở Thái, tôi cũng toàn bắt chồng mỗi lần về Bỉ phải mang sữa sang cho con uống. Chúng nó vẫn không cao được như ý. Từ khi về hẳn đây sống, tôi nghiệm ra thời tiết khí hậu trong lành, ổn định, giấc ngủ của trẻ thường sâu hơn, cơ thể vì thế phát triển phổng phao hơn”.

Tôi còn chưa kịp nói gì, một bà mẹ Bỉ thì thào “Cô xem, con bé gốc Phi kia đẹp không, da căng bóng khỏe khoắn, chân dài tới nách”, tôi trả lời “Học cùng lớp con tôi và con chị đấy. Cũng sắp bảy tuổi mà nó cao lớn hơn hẳn bọn con trai nhà mình”. Bà gật gù “Thì gen châu Phi mà, cao lớn hơn người Âu da trắng.” Không biết ăn cá ngựa, hầu như chẳng có sữa để uống, vậy mà cái gen gốc Phi ấy vẫn thật đáng mơ ước làm sao. Đến đây tôi nghĩ chẳng còn gì để nói nữa. Vì ngàn đời cỏ bên anh vẫn xanh hơn bên tôi.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.