Tôi cho rằng thuốc chữa những vụ như thế này chỉ có một cách, đó là nhanh chóng công khai nhận lỗi, xin lỗi, và tự nhận hình thức trừng phạt. Vậy thôi, mà hầu hết lại cứ xử lý quá cồng kềnh, để cuối cùng mọi con đường vẫn trở về đáp án của phép giải trên.
Quấy rối, thậm chí xâm hại tình dục không lạ lẫm gì với thế giới này, luôn là một trong những cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất. Tiếng Việt thật sáng suốt khi ghép chữ "con’"và "người" thành “con người”. Xác đáng còn hơn cả khái niệm human, hay từ gốc Latin humanus vừa hàm nghĩa người đàn ông, cũng trong liên hệ với một loài sinh vật thông minh (homo sapiens). Sự chấp chới mỏng manh của một thứ hành vi thuộc về bản năng “con” mà không phải ai cũng nghĩ đó thuộc về đạo đức, thậm chí còn nghiêm trọng cả về pháp lý.
Năm 2018, Viện hàn lâm Thụy Điển đã phải hoãn trao giải Nobel Văn chương vì liên quan đến quấy rối tình dục của một thành viên hội đồng. Oái oăm, giải Nobel Hòa bình cũng năm ấy lại được trao cho hai người, trong đó có Nadia Murad thiếu nữ người Iraq là nạn nhân đau khổ và cũng là nhà đấu tranh nổi tiếng chống nạn bạo lực tình dục.
Tôi vốn đọc khá nhiều sách của N. Như năm ngoái, công ty này dịch và in liền bốn cuốn của nữ văn sĩ Pháp Annie Ernaux (Nobel Văn học năm 2022). Là Cơn cuồng si, Nỗi nhục, Một người phụ nữ, Hồi ức thiếu nữ. Những cuốn sách chất chứa nỗi ám ảnh của Annie Ernaux cũng như sự dũng cảm phơi bày ham muốn và hậu quả bạo lực của tình dục, từ hiện thực riêng tư cá nhân. Nếu lúc này đọc lại, chắc sẽ thêm nhiều ngẫm ngợi mới.
Vụ việc thực sự của N. đến thời điểm này nhiều thứ còn chưa rõ ràng, hoặc có thể sẽ vĩnh viễn được giữ kín từ những người trong cuộc, dù quyết định kỷ luật miễn chức CEO của công ty này đã được đưa ra. Nhưng dấu hiệu bất thường là không ít người kêu gọi “tẩy chay sách” của N. Đó có lẽ chỉ là một kiểu “quấy rối”, bởi cộng đồng đọc sách, yêu sách thực sự sẽ không như vậy. Nhưng điều đó lại khả năng sẽ xảy ra trên thực tế, như những vụ tẩy chay nhiều sản phẩm, nhãn hiệu trước đó, dù sách không đơn thuần chỉ là một thứ hàng hóa.
Nhớ thời điểm này tròn 10 năm trước, tôi đã viết về vụ hai cô bé học sinh lớp 7 ở Chư Sê (Gia Lai) bị nhân viên một siêu thị trói tay và treo trước cổ tấm bảng “tôi là người ăn trộm” rồi đưa lên facebook. Chỉ vì hai em bị cho là đã “lấy cắp” hai cuốn truyện tranh trị giá 20 ngàn đồng. Không biết hai em học sinh ấy giờ ra sao, có còn tha thiết gì đến sách vở không?
Để nhắc lại lời của Thần chết trong cảnh cuối bộ phim nổi tiếng của Mỹ “Kẻ trộm sách”: “Sự thật duy nhất tôi thực sự biết là tôi đang bị ám ảnh bởi con người”.