Trước khi chuyến thăm diễn ra, Việt Nam và Tòa thánh Vatican có nhiều năm xây dựng từng bước, phát triển lòng tin dựa trên nhìn nhận về những điểm tương đồng và tôn trọng khác biệt, với mục tiêu cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội thánh.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, mỗi tôn giáo đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam tạo nên bức tranh sống động về tín ngưỡng, tôn giáo của đất nước.
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Công giáo Việt Nam có hơn 7 triệu tín đồ, chiếm khoảng 7% dân số cả nước, sinh hoạt tại khoảng 9.000 cơ sở tôn giáo. Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập năm 1980, bao gồm tất cả giám mục tại các giáo phận Công giáo ở Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ nhất (năm 1980), Hội đồng Giám mục Việt Nam ra Thư chung lịch sử với đường hướng hoạt động “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người Công giáo với đất nước: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm.
Giáo hội Công giáo Việt Nam là một phần trong hệ thống Công giáo hoàn vũ. Qua các hoạt động quan hệ quốc tế, Công giáo Việt Nam mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tăng cường quan hệ với Cộng đồng Công giáo thế giới và khu vực, ngược lại cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trong hoạt động tôn giáo.
Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam khẳng định luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.
Tháng 7/2023, Tòa thánh Vatican và Việt Nam công nhận Thỏa thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Vatican và hội kiến Giáo hoàng Francis. Bước đi này thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau và là cơ sở để thúc đẩy, mở rộng quan hệ hơn nữa trong thời gian tới.
Tháng 12/2023, Giáo hoàng Francis bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa Tòa thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam, đồng thời tăng cường hơn nữa trao đổi giữa hai bên.
Có khả năng Việt Nam sẽ đón Giáo hoàng Francis đến thăm. Cách đây không lâu, người đứng đầu Tòa thánh nói rằng Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất đẹp mà Giáo hội có được trong thời gian gần đây.