Ấy vậy mà, gần đây, một số nơi để xảy ra chuyện “lùm xùm” tiền công đức. Có những sự tranh chấp giữa các cá nhân khiến chính quyền phải vào cuộc như tại một ngôi đền đông khách thập phương tại vùng Bắc Trung bộ. Không chỉ riêng nơi này, ngọn nguồn khúc mắc về tiền công đức tại những nơi khác, phần nhiều đến tự thiếu minh bạch. “Công đức vô lượng”, nhưng lòng tham cũng vô đáy. Có phải ai hiện diện ở các cơ sở tín ngưỡng cũng đủ thiện tâm, một lòng phụng sự đâu? Điều này cho thấy, thí điểm báo cáo tiền công đức của Bộ Tài chính trong lúc này là cần thiết; cũng như giúp những nơi được nhận tiền công đức về lâu dài thiết lập những phần mềm kiểm đếm, thống kê chính xác. Nhìn ở góc độ kinh tế, đây là một trong những dòng tiền lớn, đáng lẽ cần được thống kê, thay vì để hoạt động “ngầm”. Hình ảnh chiếc két sắt hoặc thùng gỗ lủng lẳng ổ khóa to đùng dán dòng chữ “hòm công đức”, phản ánh rõ nét việc này.
Thời đại số, nhiều nước trên thế giới, người ta đã “donate” (công đức) qua các công cụ hữu ích, minh bạch và lan tỏa; tất nhiên những cách thức truyền thống vẫn còn. Và có lẽ, cũng đến lúc cần đặt ra vấn đề: Nếu tiền công đức là dòng tiền phi pháp của tội phạm thì sao? Giả sử một quan chức tham nhũng hay doanh nhân vi phạm pháp luật, trong phút chốc bỗng “hối cải” đã dùng chính số tiền sai phạm để làm công đức sẽ bị xử lý thế nào? Thế rồi, ngay cả việc phát hiện vi phạm, xử lý hành vi cũng luôn nhạy cảm. Ở nhiều nước, từng có những vụ việc gây rúng động dư luận. Ví dụ tại Thái Lan, nhà chức trách từng xử lý vài vụ sư trụ trì tham lam biển thủ tiền công đức với con số khổng lồ. Những việc tương tự, ở bất cứ đâu và bất cứ tôn giáo nào cũng có thể xảy ra.
Làm công đức, không nhất thiết lúc nào cũng bằng hiện kim hay dùng tiền để mua sự thanh thản. Nếu chỉ thế, dân thường sao cạnh tranh nổi với nhóm quan chức thoái hóa hư hỏng, những ông trùm lũng đoạn…Họ sẵn tiền, quyền và quen thói mua chuộc nên sẵn sàng buôn thần, bán thánh. Cũng cần nói thêm rằng, mọi thuyết pháp rao giảng không bằng chính tâm để kêu gọi công đức, khác nào những lời mê dụ luẩn quẩn.
Trong lần thống kê tiền công đức cả nước này, chắc chắn sẽ còn nhiều điều phải bàn. Bộ Tài chính và các địa phương sẽ tìm cách “vá” các lỗ hổng, để lâu dài tìm cách hoàn thiện hơn việc kiểm đếm. Sẽ có những chỗ khách thập phương cung tiến nhiều nhưng báo cáo ít và ngược lại. Về lâu dài, đơn vị nào và bằng công cụ gì sẽ đứng ra hỗ trợ kiểm đếm tiền hay xác định hiện vật quý do người dân công đức? Càng mình bạch, càng đỡ mang tiếng, nhằm tránh những dư luận xấu kiểu “BOT chùa”.