“Cát hay là ngọc” tự truyện của một người bị lạm dụng tình dục:

Hồi sinh một cuộc đời cay đắng

Hồi sinh một cuộc đời cay đắng
TP - Chiều ngày 15/7, cuốn tự truyện của của một cô gái Việt Nam bị lạm dụng tình dục từ năm 8 tuổi đã chính thức ra mắt độc giả Hà Nội.

Tôi có mười lăm phút ngồi với Sandy (hay là Út, hay là Ruby, Bích Ngọc) – nhân vật chính của cuốn tự truyện “Cát hay là ngọc” (do Hòa Bình và Cỏ chấp bút – NXB Phụ Nữ) trước khi buổi họp báo bắt đầu. Cô có vẻ chưa sẵn sàng lắm về tâm lý khi tiếp xúc với truyền thông.

Sandy có vẻ ngoài nhẹ nhàng xinh xắn. Ít người hình dung được, cô gái ấy sinh ra đã bị vứt bỏ. Bố mất sớm, Sandy bị chuyền qua chuyền lại sống nhờ những người cùng huyết thống. Bị ngược đãi, bị chính người thân lạm dụng tình dục từ năm 8 tuổi, và bị ép làm công cụ tình dục trong suốt 10 năm sau đó. Cho đến khi cô buộc phải rời khỏi nhà, ra sống bên lề xã hội.

Hồi sinh một cuộc đời cay đắng ảnh 1

Bìa sách “Cát hay là ngọc”.

Sandy đã từng có thời gian sống ở Thái Lan. Cô kể: cuộc sống ở nước ngoài cũng “kinh lắm, ghê lắm, tủi nhục lắm”. Xa hoa hào nhoáng chỉ là vỏ bọc của những đau đớn, tổn thương, nghèo khó. Ra khỏi biên giới, nhưng cô gái sinh năm 1988 vẫn không thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng của quá khứ. Cô đi chùa, học thiền, học yoga. Các thầy dạy cô rằng: có hai cách đối mặt với đau đớn, hoặc là im lặng sống cuộc sống của mình, ngoài kia xảy ra chuyện gì cũng kệ nó. Hoặc là đối diện, nhìn vào nó, và sống chung với nó. Sandy mất tròn 8 năm để quyết định kể câu chuyện của mình.

Tôi lại hỏi: cô đã chuẩn bị đủ mạnh để sẵn sàng khép lại quá khứ và đối mặt với nó? Trả lời: ngay từ khi có ý định viết sách cô đã học bỏ qua và tha thứ. Bây giờ, cuộc sống của cô đã tốt hơn, nhìn về chuyện cũ chỉ là “nói lại”, không phải “sống lại”.

Thế nhưng, buổi giao lưu mới bắt đầu, tác giả Cỏ đã vừa nói vừa nức nở. Sandy khóc theo. Mười lăm phút sau, cô buộc phải vào hậu trường “thu dọn cảm xúc”.

Nhà văn Di Li chia sẻ: đọc “Cát hay là ngọc” cô bị quay cuồng, chóng mặt ngay từ trang thứ hai. Di Li tự nhận, trí tưởng tượng của cô cũng đầu hàng trước một câu chuyện thật thương tâm đến như thế.

Nhà báo Hòa Bình kể: lần đầu tiếp xúc bản thảo, chị bị sốc. Và vỏn vẹn 146 trang sách chỉ là một phần câu chuyện của Sandy. Rất nhiều chi tiết bị lược bỏ. Rất nhiều nhân vật bị lướt qua. Ê kíp làm sách sở dĩ “ép nén” nội dung tác phẩm là vì muốn giảm giá thành, để cuốn sách đến được với nhiều người hơn, có ích với nhiều người hơn, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hòa Bình cũng kể, khi quyết định nhận chấp bút cho cuốn sách này, điều chị quan tâm nhất là cho nhân vật cảm giác của “người thân”, chứ không phải độ dài ngắn của sách, cũng không phải tiền nhuận bút. Tình thân là thứ xa xỉ đối với Sandy, cô đã sống thiếu nó trong suốt 20 năm.

GS. Nguyễn Lân Dũng thì sốc khi nhìn số bản in là 2.000, ông nghĩ, với nội dung “thức tỉnh xã hội” như “Cát hay là ngọc”, ít nhất lần đầu in cũng phải hơn 2 vạn bản. Giáo sư Dũng cho rằng: ai cũng nên đọc cuốn sách này. Để phòng tránh, thông cảm, sẻ chia và có thể giúp đỡ những cô gái bị lạm dụng tình dục. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, mỗi năm có hơn 1.000 vụ lạm dụng tình dục.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đánh giá: điều đáng kể nhất của cuốn sách là dám nói ra. Nói ra là cách tốt nhất để phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em. Ngược lại, nếu tất cả đều chọn im lặng, là một cách gián tiếp để tội ác không dừng lại.

Nhà báo Hòa Bình yêu cầu các báo, đài bí mật thông tin cá nhân của Sandy bởi kể từ khi bắt đầu viết cuốn sách Sandy đã phải chuyển chỗ ở ba lần. Hiện tại, hành trình di cư của cô vẫn tiếp tục. Sandy buộc phải thành thục một số kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng tự bảo vệ. Người được coi là thủ phạm chính trong vụ này hiện đang ở trại dưỡng lão. Tất cả các thủ tục tố tụng đều gặp trở ngại vì không đưa được bằng chứng cụ thể vì vụ việc xảy ra ở thời điểm 20 năm trước.

Sandy mong muốn, cuốn sách này sẽ giúp cô “giết chết quá khứ”, chấm dứt ác mộng hàng đêm và hồi sinh con người mới.

Hồi sinh một cuộc đời cay đắng ảnh 2

Từ trái qua: Cỏ, nhà báo Hòa Bình và Sandy.

Kể từ khi cuốn sách phát hành, món quà lớn nhất mà Sandy nhận được là tình cảm với những người cùng huyết thống được cải thiện đáng kể. Trong chuyến ra Hà Nội lần này, cô đã kết nối được với một số họ hàng. Những người đó biết Sandy viết tự truyện, nhưng không kỳ thị cô mà sẵn sàng mở lòng với cô. Một cú điện thoại hỏi thăm thông thường, một lần chờ cơm, với Sandy mà nói giống như thuốc trị thương tốt nhất, có tác dụng làm lành và dịu vết thương.

Mơ ước lớn nhất của Sandy là được học. Cô đã tự học tiếng Anh qua youtube và giao tiếp thực tế. Cô cũng từng trải qua hai năm trung cấp tại chức vào buổi tối tại Trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh. Hiện cô sống bằng công việc dạy tiếng Anh ở Amazing Home cho học sinh, sinh viên.

Sau khi “Cát hay là ngọc” ra mắt tại TP Hồ Chí Minh, Sandy cũng đã học thêm được một kỹ năng mới: săn học bổng. Cô muốn tham gia rất nhiều khóa học để thỏa mãn giấc mơ về “thánh đường tri thức” của mình.

Sandy đã và đang nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ về vật chất, nhưng cô đều từ chối. Cô nói, nếu nhận được, cô cũng sẽ nhờ các tổ chức trao tặng cho các em bé bị lạm dụng khác. Vào mỗi kỳ sinh nhật của mình, Sandy đều đi phát cơm từ thiện, tâm nguyện của cô là vào ngày sinh nhật sẽ làm công tác xã hội, không tổ chức “party”.

Câu hỏi thực tế nhất buổi giao lưu là của một bà mẹ: phụ huynh phải xử trí thế nào nếu lỡ trong nhà có trẻ em bị lạm dụng? Đại diện Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: quan trọng nhất là phải động viên em nói ra, và thu nhập nhanh nhất mọi chứng cứ có thể. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội), cung cấp thêm: trong mọi tình huống xấu, phụ huynh đều có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng bảo vệ quyền trẻ em: 18001567 (số điện thoại quốc gia) xin giúp đỡ!

Ao ước được mẹ bảo vệ

gười mẹ ruột của Sandy, hiện vẫn còn sống, có khi từng muốn bán cô vào nhà chứa. Sandy ao ước, giá như mẹ cô đấu tranh vì con mình như người mẹ Vũng Tàu,(kiên quyết không ký vào biên bản hoà giải với người đã xâm hại con gái 6 tuổi. Không những thế, chị còn viết lá đơn đẫm đầy nước mắt tố cáo người đàn ông 76 tuổi đã lạm dụng con chị bằng những hành vi dâm ô) chắc cuộc đời cô ấy sẽ khác nhiều. Có tình thương của người mẹ, cô gái bé nhỏ có thể quên đi sự sợ hãi, và được giáo dục lại để hết những lệch lạc về nhận thức cũng như giới tính sau khi bị xâm hại.

"Ruby đẩy mạnh hai người, xông ra ngoài, vơ cái giỏ, leo lên xe phóng đi. Sau lưng còn văng vẳng tiếng rủa.

-Con khốn, mày đi được thì đi luôn đi, đừng có quay lại làm gì nữa. Cái nhà này không có chỗ chứa cho mày nữa đâu.

Mày ơi, mày có đi được không? Mày đang đi đâu đấy? Trên cái mặt đất này, nơi nào là chỗ của mày? Ruby chạy xe lòng vòng thành phố, thật sự thì chẳng biết đi đâu, cũng chẳng biết phải về đâu. Ruby chạy một mạch lên thẳng Sài Gòn, dừng xe ngồi bệt xuống dải phân cách trên cầu Sài Gòn, nhìn chăm chắm xuống mặt nước lừng lững trôi”.             

(Trích “Cát hay là ngọc” trang 25)

MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.