Đầu tư ít ỏi
Theo số liệu từ Trung tâm hỗ trợ sáng tác, trong 5 năm qua (2011-2015) đã có 307 trại được mở ra tại 5 Nhà sáng tác thuộc sự quản lí của trung tâm (Nhà sáng tác Vũng Tàu, Nhà sáng tác Đà Lạt, Nhà sáng tác Nha Trang, Nhà sáng tác Tam Đảo, Nhà sáng tác Đại Lải) với tổng số lượt tác giả dự trại là 4.595, với tổng số tác phẩm thu được trên các lĩnh vực của văn học nghệ thuật là 18.011. Không có sự trồi sụt đáng kể về tác phẩm gặt hái được hay lượng tác giả tham gia trại sáng tác qua mỗi năm.
Ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác cho biết: “Kinh phí hỗ trợ sáng tác do Bộ Văn hóa “rót”. Hiện nay Bộ Tài chính quy định chỉ cho 120 ngàn đồng/ngày cho mỗi văn nghệ sỹ ở trại. Kinh phí nhìn chung rất khó khăn.
Một số hội địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn hay những tỉnh miền núi phía Bắc khác, hoặc các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ chật vật về nguồn vốn, nên văn nghệ sỹ chỉ trông đợi vào nguồn của Bộ Văn hóa rót xuống thông qua Trung tâm hỗ trợ sáng tác, không nhận được đóng góp thêm từ các hội ở địa phương.
Đối với các hội ở trung ương do kinh phí dồi dào họ có thể chi thêm cho anh em”. Theo tìm hiểu, Hội sân khấu hỗ trợ 30 ngàn đồng/ngày cho việc ăn ở của nghệ sỹ và chi thêm 70 ngàn đồng/ngày cho tiền tiêu vặt. Ở Hội Mỹ thuật tình hình có vẻ khả quan hơn.
Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tiết lộ: “Mỗi năm Hội Mỹ thuật tổ chức trung bình 2 trại sáng tác. Mỗi trại mời 15 họa sỹ, ăn ở hai tuần với suất ăn theo quy định. Mỗi họa sỹ được hỗ trợ sáng tác thêm 4 triệu đồng, trong đó 2,5 triệu là tiền vật liệu, 1,5 triệu là tiền tiêu vặt”.
Trong số khoảng 30 tác phẩm thu được qua trại sáng tác, Hội Mỹ thuật sẽ chọn khoảng 5 tác phẩm để lưu giữ. Tùy theo chất lượng và kích cỡ tranh Hội sẽ tài trợ bổ sung từ 5 đến 8 triệu đồng cho mỗi bức.
Tại đa số thành phố nhỏ, mô hình trại sáng tác giản lược hơn. Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi, các hình thức trại của tỉnh đều không tập trung tức là nghệ sỹ nhận kinh phí hỗ trợ sáng tác rồi về nhà thực hiện. Hội VHNT Quảng Ngãi được chính phủ cấp 460 triệu/ năm cho 210 hội viên trong đó có khoảng 30 họa sỹ. Mỗi họa sỹ tham gia trại được cấp 4 triệu đồng “tưởng nhiều nhưng với nghệ sỹ điêu khắc lại thành ít vì mỗi khối vật liệu có khi đã 3-4 triệu đồng”.
Nhìn chung, đời sống của anh em văn nghệ sỹ ở các trại sáng tác được ông Huỳnh Văn Ngàn xác nhận: “cực kỳ khiêm tốn!”. Nhiều năm qua, Ban lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ sáng tác cũng muốn kêu, song lại “không dám kêu vì kinh tế khó khăn, Bộ Văn hóa cũng khó khăn”.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác công khai con số cụ thể: 11 tỉ 300 triệu đồng là số tiền họ nhận được để duy trì hoạt động của 6 đơn vị bao gồm Trung tâm và 5 nhà sáng tác, tính bình quân mỗi đơn vị một năm được cấp chưa tròn 2 tỉ đồng.
Ít người sáng tác ở trại sáng tác
Nhắc đến trại sáng tác, người ta thường nghĩ ngay tới cánh nhà văn. Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với nhiều nhà văn có tên tuổi hiện nay ở Việt Nam. Họ đều cởi mở trả lời phỏng vấn. Tuy không đả phá nhưng nhiều vị không mặn mà lắm với việc “đi trại”.
Tác giả “Đổ bóng xuống mặt trời” Trần Anh Thái thổ lộ vui vẻ: “Tôi chưa đi trại bao giờ. Tôi chỉ đến chơi chút với anh em ở trại rồi về thôi”. Lí do được Trần Anh Thái đưa ra: “Người ta tạo điều kiện cho anh em gặp gỡ nhau vui vẻ là tốt rồi, lo chỗ ăn chỗ ở nữa, càng tốt. Nhưng tùy tạng người. Có người viết xong tác phẩm muốn đến đó để hoàn thiện, có người đến để viết. Riêng tôi, tôi nghĩ người sáng tác nên “riêng một góc trời”. Tôi không bao giờ sáng tác ở trại sáng tác”.
Khai mạc trại sáng tác của hội sân khấu tại Nhà sáng tác Tam Đảo năm 2008. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Đồng quan điểm với nhà thơ Trần Anh Thái, nhà văn Ma Văn Kháng cũng thật thà khai: “Tôi chưa đi trại sáng tác bao giờ”. Những tiểu thuyết nổi tiếng “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”… hóa ra không được thai nghén từ trại. “Hồi ở trong ban chấp hành tôi có tham gia tổ chức thôi, còn đi với danh nghĩa hội viên thì chả đi bao giờ cả.
Tôi cảm thấy hình như môi trường đó không thích hợp với mình. Viết ở nhà cần nhiều tài liệu lắm, đến đấy chỉ có cây bút và mấy tờ giấy, thế thôi. Tôi không có nhu cầu tạo cảm xúc mới từ môi trường, tôi thích một mình lủi thủi làm việc. Viết kín đáo, âm thầm, có góc riêng tư, bí mật không cho ai đọc”, Ma Văn Kháng chia sẻ.
Tác giả “Bến không chồng” cũng đã 10 năm chưa trở lại trại sáng tác. Nhưng anh khoe, từng hoàn thành tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” qua hai trại sáng tác ở Đại Lải (do Hội Nhà văn tổ chức) và Trại sáng tác ở Nha Trang (do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức).
Cũng như nhà văn Dương Hướng, nhà văn Thái Bá Lợi ngót chục năm chưa trở lại trại sáng tác. Với anh, việc đi trại sáng tác hay không cũng… không quá quan trọng: “Thấy gọi thì đi thôi. Còn khi có hứng thì ở đâu chẳng viết được”. Những năm qua, Thái Bá Lợi vẫn được gọi đi trại nhưng “thấy không cần đi. Khi viết được thì ngồi đâu chẳng viết được”.
Tác giả Nguyễn Trí của “Bãi vàng, đá quí, trầm hương” nằm trong số ít nhà văn hào hứng với trại sáng tác, tuy anh chưa từng được tham gia một trại sáng tác nào do Hội Nhà văn tổ chức, vì mới được kết nạp: “Tôi chỉ được đi trại sáng tác của Văn nghệ quân đội.
Nói chung rất thoải mái, các đồng nghiệp thân thiện, dễ chịu. Không khí tạo cho người ta nhiều cảm hứng để viết. Ở trại văn nghệ quân đội khác một điều, chẳng hạn họ mời tôi, nhưng không phải đợi tôi có tác phẩm mới mời, song khi đã tới trại thì phải nộp sáng tác cho trại.
Khác với ở tỉnh nhà, họ yêu cầu tôi phải nộp tác phẩm trước, tác phẩm đạt thì mới cho đi trại, khi đi trại anh sẽ hoàn thiện tác phẩm đó”. Nhà văn Nguyễn Trí khẳng định đầy tin tưởng: “Không có tác phẩm tôi không đi trại, tôi đã đi thì không vì tình cảm nào hết. Mà dạng như tôi là phổ biến”.
Chỉ “béo” những người rảnh?
Có người nói trại sáng tác chỉ “béo” cho những người rảnh? Ý kiến của nhà văn Thái Bá Lợi: “Cũng tùy người. Có người đến sáng tác thật, cũng có người đến chơi”. Trước câu hỏi này, nhà văn Dương Hướng trả lời: “Cũng khó nói vì khi đi ai cũng bảo sẽ hoàn thành tác phẩm nhưng không hoàn thành thì ai bắt bẻ được đây”.
Bây giờ cứ thử đi từng hội, hỏi các văn phòng năm nay có bao nhiêu trại, bao nhiêu tác phẩm, tác phẩm của họ đi đến đâu, tên của các các nhà văn đi trại có khi còn thay đổi chứ tên của các nhà sân khấu lấy đâu ra mà thay đổi. mỗi năm có ông đi mấy trại liền, 5 năm qua thử hỏi ông có tác phẩm gì đi vào dàn dựng thì biết ngay tính lãng phí”.
Đừng mong có tác phẩm đẹpChủ nhiệm CLB Nghệ sỹ trẻ - Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi đã từng tham gia nhiều trại sáng tác của CLB Nghệ sỹ trẻ nói riêng và Hội Mỹ thuật nói chung. Tôi nghĩ đó là một hoạt động vui vẻ, thường là đi nghỉ mát, xả stress, là nơi các anh chị em cũ và mới gặp nhau chia sẻ về công việc, giao lưu, làm quen… Sứ mệnh của trại sáng tác hiện nay chỉ thế thôi chứ đừng mong có tác phẩm đẹp hoặc những mục tiêu giàu tính nghệ thuật”.
Đừng đong đếm quáHọa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại có quan điểm: “Đừng nghĩ theo kiểu đong đếm cụ thể quá. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật không như đóng gạch đâu, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều ra bao nhiêu viên gạch. Đó còn là nơi để anh em giao lưu mở mang kiến thức, tạo cảm hứng sáng tạo và sau đó về nhà mới ra tác phẩm”. Ông cho biết, không chỉ có Hội Mỹ thuật mà Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm cũng thỉnh thoảng tổ chức trại sáng tác, biến một số gương mặt từ vô danh thành có tên.