Họa sỹ cho biết, lần này ông được Đại sứ quán Áo tại Việt Nam đài thọ phần lớn. Còn ở triển lãm lần đầu tiên vào năm 2007 tại Nhà triển lãm 97 Đinh Tiên Hoàng là do ông tự lo liệu tất tần tật.
Theo Đặng Thông Tuyến, khi sang Áo sinh sống từ năm 1989, tranh của Đặng Thông Tuyến được Bảo tàng mỹ thuật Vienna ( Áo) mua để treo một bức. Họa sỹ bộc bạch: “Nói chung, người làm nghệ thuật ở đâu cũng khó khăn. Sáng tác nghệ thuật ở một nước phát triển cũng có cái khó riêng của nó. Các họa sĩ bản xứ cũng khó sống được bằng nghề chứ đừng nói gì đến một họa sỹ vô danh tiểu tốt như tôi”.
Họa sỹ Đặng Thông Tuyến cho biết, ngoài vẽ tranh, ông còn dạy mỹ thuật cho người Áo ở các trung tâm văn hóa quận. Trước khi sang Áo sinh sống, họa sỹ Đặng Thông Tuyến đã có một năm sống tại Đức theo diện xuất khẩu lao động. Ông làm việc như một thợ thủ công, vẽ tranh trên gốm.
Từ trước đến nay, các bức tranh của Đặng Thông Tuyến có cái tên khá giản dị. Hai bức tâm đắc nhất của ông tại triển lãm lần này là bức “Chân dung vợ 1” và “Chân dung vợ 2” - người vợ Việt hiện đang gắn bó với ông tại Áo. Trước đó, ông cũng đã lập gia đình với một người phụ nữ Áo và có hai người con.
Họa sĩ Đặng Thông Tuyến sinh năm 1955 tại Hà Nội trong gia đình bố là người Huế, mẹ người Sài Gòn ra Bắc tập kết. Ông sống và vẽ tại TP.HCM trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Năm 1989, ông sang Áo và từ đó gắn bó với quê hương thứ hai của mình.