Trại hè nghệ thuật

Học “phá” ở Tò He.
Học “phá” ở Tò He.
TP - Con nghỉ hè, bố mẹ đau đầu vì không biết “tống” chúng đi đâu. Mấy năm nay, trẻ con thi xong, các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất là “trại hè” và “trung tâm nghệ thuật, kỹ năng sống”. Và trại hè dạy trẻ tiếp cận với nghệ thuật trở thành một lựa chọn hay.

Xóa mù nghệ thuật

Vừa nhận kết quả thi của cháu, tôi lĩnh luôn nhiệm vụ tìm lớp học hè cho hai đứa. Một phụ huynh, cùng đi nộp hồ sơ với tôi, bồn chồn hỏi: “không biết có hiệu quả thật không em nhỉ? Trưa con mình ngủ ở đâu? Mà học phí đắt thế?”.

Chị kể, hai vợ chồng đều là công chức, con đầu bảy tuổi, tuần sau sẽ nghỉ hè. Năm trước, chị áp dụng chính sách cho con ở nhà một mình. Sáng chị nấu sẵn cơm canh dặn con trưa ăn gì, ở nhà chơi gì, rồi khóa cửa đi làm. Ở nhà, anh chị lắp camera để tiện lưu ý con. “Thương lắm, thấy nó cứ lủi thủi ra vào, cả ngày chỉ xem tivi chờ mẹ về”. Năm nay, chị nghe lời bạn mách, quyết định cho con đi trại hè nghệ thuật, học phí 21 ngày học cả ăn uống, đưa đón là gần 10 triệu.

Trong số những phụ huynh tôi gặp, có cả người đi đăng ký học cho con lần thứ hai. Nhà có ông bà nhưng con vẫn không thích ở nhà vì “quá tẻ nhạt”. Quanh quẩn vào ra chỉ có bốn bức tường với một cái ipad. Anh bảo: gửi đến trung tâm, ít nhiều cũng được cái dạn dĩ, còn có bạn. Quan trọng nhất là nó thích!

Một đồng nghiệp của tôi, có hai đứa 6 và 10 tuổi ở nhà với nhau nhưng vẫn phải đặt lịch, một tiếng gọi về kiểm tra một lần. Ngày hai đến ba lần chúng sẽ gọi cho mẹ nhờ “phân xử”. Hết hè, mẹ con đều phờ phạc.

Trại hè nghệ thuật ảnh 1

Lớp kỹ thuật thanh nhạc.

Trong số các lớp học hè cực kỳ đa dạng hiện nay, các lớp dạy về cảm thụ nghệ thuật và kỹ năng sống được lựa chọn nhiều nhất. Phụ huynh có con gái sẽ đăng ký các lớp dạy hát, múa, đàn piano, nhảy và nấu ăn. Phụ huynh có con trai chú ý đến các lớp dạy đàn, vẽ, võ… “Tốt nhất là xóa mù âm nhạc, hội họa cho con, chứ không trông chờ vào trường học được”. (Chị Phạm Hải Anh – Cầu Giấy, Hà Nội)

Các trường tư của các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ được săn đón nhiều hơn. Ví dụ Seedlink của ca sĩ Thùy Dung, Trại hè âm nhạc – Music Summer Camp của ca sĩ Mỹ Linh, Trung tâm nghệ thuật Sense Art của vợ chồng Bùi Công Duy – Trinh Hương… Mặc dù học phí ở những trung tâm này không rẻ. Trung bình cho một khóa học, tạm gọi là bán trú hơn 20 ngày du di trong khoảng 6-10 triệu đồng.

Để đa dạng các chương trình học và giúp trẻ có một cái nhìn cơ bản về âm nhạc, một số trung tâm còn có cả những khóa học về lý thuyết âm nhạc cơ bản: Tại sao lại gọi là khóa Son, khóa Pha? Tại sao lại là nốt Đồ, Rê, Mi... Tại sao lại dùng nốt đen, nốt trắng, nốt tròn để chỉ độ dài ngắn của âm thanh... Làm thế nào để xướng âm cho đúng các nốt... Ngoài ra, học sinh cũng được làm quen với tính năng các loại nhạc cụ, giúp học sinh cảm nhận mầu sắc âm thanh, lịch sử ra đời của các loại nhạc cụ trên thế giới, sử dụng đúng lúc đúng chỗ các nhạc cụ đó v.v... trong
đời sống.

Anh Nguyễn Duy Tuấn (Xã Đàn, Hà Nội) cho con gái đi học piano, đến tận lớp con nghe thỉnh giảng, sau mê quá, xin cô cho học cùng bởi vì “phát hiện ra mình vẫn chưa xóa mù về âm nhạc”.

Dành cho trẻ cá tính mạnh

Có một sự thật là không phải đứa trẻ nào bị nhét vào các trung tâm nghệ thuật cũng đều vui vẻ và hợp tác. Không ít bố mẹ sau khi bỏ một đống tiền nộp cho con học nhạc, họa mới tá hỏa phát hiện con chỉ học để chống đối chứ không có một miligam yêu thích. Những ví dụ tương tự có thể gặp hàng ngày trên facebook. Và các vị phụ huynh điên đầu vì con “cá tính mạnh” lại phải lần mò tìm lớp hè khác.

Nick Phan Đăng chia sẻ: con tôi bảo nó chỉ thích học ảo thuật. Phải gọi điện đến tận Liên đoàn xiếc hỏi đi hỏi lại. Sau may có người giới thiệu một trung tâm có lớp này, học được hai tuần rồi, có vẻ rất
phấn khởi!

Trại hè nghệ thuật ảnh 2

Làm bánh chỉ là một môn học của khóa kỹ năng sống.

Mẹ Phan Thị Hoa (Cầu Diễn) kể: con trai nhưng chỉ thích học nấu ăn, làm bánh. Năm ngoái bố nó bắt đi học guitar, đến lớp toàn ngủ gật. Năm nay tôi phải đăng ký một lớp ở Hanoi Cooking Centre, đưa đi đón về hơi xa nhưng cu cậu rất chăm. Đã làm được bánh sinh nhật cho em gái!

Chuyện của bố Trịnh Quang Huy (Nghi Tàm): đăng ký hẳn một lớp kỹ năng sống cho con, bao gồm từ nấu ăn, may vá, phối hợp quần áo, trong khi con chỉ thích mỗi môn sơ cứu, cầm máu với ứng phó khi gặp hỏa hoạn.

 Chị Trần Thanh Hằng (khu Linh Đàm) có con thích vẽ. Hai năm liền chị đăng ký cho con học vẽ nhưng cô bé đều không vui. Đến tận khi tìm thấy trung tâm Tò He với style “chơi rất chi là học” – không sợ đúng sai đẹp xấu, không chuẩn mực, không nguyên tắc, qua khóa “phá”, con chị mới dừng việc tìm lớp mới. Sắp tới, cháu tiếp tục học thêm khóa “vỡ” và “tạo” của Tò He.

Một số cậu con trai mới lớn thì thường thích các “học kỳ quân đội” của Học viện thanh thiếu niên Việt Nam, Trung tâm nghệ thuật Mr Thương, hoặc Tâm Việt... Ngoài việc được trải nghiệm cảm giác tự lập, “thanh niên cứng”, một số đứa còn hô hào “học kỳ quân đội” như một chứng chỉ “vào đời”, “không có anh em nó khinh”!

MỚI - NÓNG