Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian gây nhiều tranh cãi vì có chi tiết quan hệ tình dục đồng giới |
Bùng nổ dư luận
Những ngày gần đây, cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của tác giả Mỹ gốc Việt Ocean Vương gây tranh cãi vì có một số đoạn miêu tả cảnh quan hệ tình dục. Cuốn sách được nhà trường giới thiệu cho học sinh THPT hệ quốc tế đọc tham khảo.
Khi đọc sách cùng con, một phụ huynh cho rằng, sách chứa nội dung “khiêu dâm”, miêu tả cảnh quan hệ tình dục của hai nam thiếu niên, có thể khiến con chị bị “đầu độc về mặt tinh thần”.
Sau những tranh cãi nổ ra trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa lên tiếng “giải vây”. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian lần đầu tiên được xuất tại Mỹ năm 2019, phiên bản tiếng Việt được phát hành năm 2021. Cuốn sách là một bức thư dài mà nhân vật tôi (biệt danh: Chó Con) gửi đến mẹ - một thợ làm móng đưa con trai sang Mỹ nhập cư.
Nội dung bao trùm của tác phẩm là tình mẫu tử, thân phận và danh tính của một thế hệ sống trong chiến tranh và thế hệ kế thừa của người nhập cư. Tác phẩm còn là lời tự thuật của một thiếu niên đang tuổi trưởng thành, với những lời tâm sự về mối tình với người bạn cùng giới Trevor. Đây cũng là lý do một số trang sách miêu tả trực tiếp mối quan hệ xác thịt của họ.
TS. Đào Lê Na, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TPHCM, cho rằng, những trích đoạn được đăng trên mạng xã hội được dùng làm dẫn chứng để kết luận rằng đây là một tác phẩm khiêu dâm, đồi trụy là không thỏa đáng. Bởi đây chỉ là những chi tiết nhỏ so với tổng thể câu chuyện.
“Đây là tác phẩm hay về câu chuyện những người nhập cư trên đất Mỹ, những người không chỉ mang vết thương của chiến tranh mà còn thể hiện góc nhìn của một người đồng tính - nhân vật ngoại vi, bên lề của xã hội.
Đáng chú ý hơn, đó không phải là tiếng nói mong cầu sự thương hại mà trái lại, là tiếng nói mạnh mẽ, kể một câu chuyện đầy tự tin”, TS Na nêu.
Vị chuyên gia này cho rằng, cách kể chuyện và gợi tả chân thực, bao gồm cả các chi tiết về tình dục, tính dục đã góp phần xây dựng vị thế của nhân vật “tôi”.
Từng có thời gian dài giảng dạy tại trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, người sáng lập dự án phát triển văn hóa đọc và thư viện Ô cửa sách, trấn an: “Xuất phát từ bản chất và chức năng của văn học, văn học không thể tác động đến người ta theo hướng thô thiển là đọc gì làm nấy. Mọi yếu tố tình dục trong tác phẩm, nếu có, đều nhằm nói đến một vấn đề gì đó sâu sắc hơn và nhân bản hơn của con người”.
Do đó, chị cho rằng, có thể thẳng thắn dạy các tác phẩm này cho học sinh, và giảng cho các em hiểu.
Cẩn trọng khi chọn sách đưa vào trường học
Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm cho rằng, với tác phẩm có yếu tố tình dục nhưng không phải “dâm thư”, không phải vô giá trị, có thể cho học sinh đọc, nhưng cần có sự kiểm soát. Chị đề xuất đưa ra hai bản in khác biệt: một bản toàn vẹn tác phẩm dán nhãn 18+ và một bản cho phép học sinh đọc dán nhãn 15+. "Trong thư viện trường chỉ lưu hành các bản 15+, khuyến nghị phụ huynh chỉ mua bản 15+ cho con, khuyến nghị giáo viên chỉ được sử dụng bản 15+ cho học sinh đọc hoặc ra đề kiểm tra”, chị Tâm nêu.
Trước khi có cơ chế rõ ràng trong dán nhãn, phân loại sách, phụ huynh cần đồng hành, dẫn dắt, giải thích cho con khi con đọc tác phẩm không đúng độ tuổi. Sự dẫn dắt, giải thích kỹ càng phần nào ổn định tâm trí trẻ và không để lại những lệch lạc tâm lý về sau.
Dán nhãn phim, sách còn bỏ ngỏ
Trước đó, cuốn tiểu thuyết viết về danh tướng Phạm Ngũ Lão mang tên Chim ưng và chàng đan sọt của nhà văn Bùi Việt Sỹ từng được vinh danh giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Sách quốc gia.
Sau đó, nhiều người mới phát hiện và phê phán chi tiết thô tục, phản cảm về cảnh phòng the giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong cuốn tiểu thuyết.
Một số truyện dành cho trẻ em được hướng dẫn phân loại, dán nhãn đầy đủ, còn truyện dành cho lứa tuổi trên 16 bị bỏ trống. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH |
Nếu cuốn sách có những chi tiết nhạy cảm này được phụ huynh mua cho con trẻ đọc hoặc được giới thiệu cho học sinh sẽ gây ra cuộc tranh luận lớn. Sẽ không có những cuộc tranh luận nảy lửa này nếu các tác phẩm này được dán nhãn, phân loại kỹ càng.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam, khẳng định, mỗi độ tuổi có nhu cầu tìm hiểu, khám phá những kiến thức khác nhau, nên việc lựa chọn sách cũng khác nhau.
Việc trẻ đọc sách không đúng lứa tuổi hoặc không có hướng dẫn, giảng giải cặn kẽ dễ gây ra những lệch lạc tâm lý về sau. Chị Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra cảnh báo, khuyến cáo đối với những cảnh bạo lực hoặc tình dục, những vấn đề nhạy cảm...
“Việc dán nhãn, phân loại sách, truyện cần được thực hiện giống như điện ảnh hoặc như các kênh truyền hình, ứng dụng xem phim trả phí hiện nay. Chúng ta luôn được cảnh báo về nội dung và giới hạn độ tuổi đối với nội dung phim sẽ xuất hiện. Điều này giúp người xem cân nhắc, quyết định có xem phim hay không”, chị Hà nêu.
Thực tế, việc dán nhãn, phân loại xuất bản phẩm được quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đề cập về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm chính thức có hiệu lực.
Theo khoản 1, Điều 12, Thông tư 09, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi: trẻ dưới 6 tuổi, trẻ từ 6-10 tuổi, trẻ từ 11 đến dưới 16 tuổi. Như vậy, có thể thấy, Thông tư 09 chưa đề cập đến khoảng tuổi từ 16-18 tuổi và trên 18 tuổi. Khoảng trống này đang gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh nhiều xuất bản phẩm của Việt Nam.
Nhiều năm nay, chuyện dán nhãn, phân loại một số xuất bản phẩm do các NXB tự mày mò. Tiên phong trong việc dán nhãn phải kể đến NXB Kim Đồng, NXB Trẻ… Việc dán nhãn trở nên cấp thiết, đặc biệt trong trường hợp ngày càng nhiều xuất bản phẩm ra đời và nhanh chóng tiếp cận nhanh giới trẻ thông qua mạng xã hội.