Một thoáng tranh luận về 'dâm thư' của Ocean Vương

TP - Gần đây các vị phụ huynh đã chịu khó đọc cùng con hơn. Thể hiện qua vụ bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa bị chê hồi tháng 10/2023. Và mới đây là "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" bị một phụ huynh có con học trường quốc tế ở TPHCM cho là “dâm thư”.

Dịp nghỉ lễ vừa qua, giáo viên đề xuất học sinh đọc cuốn này. Phụ huynh háo hức thưởng thức cùng con để rồi bàng hoàng khi nhận thấy sách có “nội dung khiêu dâm” và cho rằng, con mình đang bị “đầu độc tinh thần”.

“Tôi là một phụ nữ ngoài 40, nhưng khi đọc những câu văn này, tôi còn đỏ mặt tía tai, huống hồ gì bé con nhà tôi chỉ là một học sinh lớp 11”, câu này của phụ huynh được trích dẫn lại nhiều.

Một thoáng tranh luận về 'dâm thư' của Ocean Vương ảnh 1

Tác phẩm dự thi Vẽ bìa Quyển sách tôi yêu của em Phan Phương Linh, lớp 11K, THPT chuyên Long An.

Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM yêu cầu nhà trường thu hồi 19 cuốn sách đã phát cho học sinh đang theo học chương trình Tú tài quốc tế, yêu cầu nhà trường nghiêm túc khắc phục và kiểm điểm phê bình giáo viên vì đã không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm…

Một số ý kiến cho rằng, phụ huynh này nên làm việc với giáo viên và nhà trường để tìm hiểu vấn đề thay vì đưa ngay lên mạng xã hội. Đây cũng không phải trường cấp 3 đầu tiên giới thiệu học sinh tham khảo cuốn này. Trên fanpage của CLB Văn học của một trường THPT ở Thái Nguyên có bài giới thiệu cuốn này từ ngày 10/4. Cùng thời điểm, trang của trường THPT chuyên Long An đăng tải một bài thi vẽ bìa sách của một học sinh lớp 11. Em đã chọn chính bìa sách của Ocean Vương, và còn viết lên đó vài lời cảm nhận tác phẩm.

Như vậy, trước khi vị phụ huynh nọ phát hiện ra thì có thể cuốn sách đã kịp đến tay nhiều học sinh cấp 3 rồi. Dù sao việc phụ huynh nọ đưa vấn đề lên mạng xã hội (thói quen gần như trở thành bản năng mỗi khi bức xúc của nhiều người hiện nay) cũng có mặt tích cực. Không chỉ tốt cho nhà bán sách có dịp hâm nóng sản phẩm, mà còn tạo nên một cuộc tranh luận về văn chương, giáo dục và giới tính.

Đầu tiên phải khẳng định rằng phụ huynh có quyền và nên giám sát việc học của con em mình. Việc trường học lắng nghe và tiếp thu ý kiến của phụ huynh là cần thiết và bình thường. Một chuyên gia giáo dục cho hay, ở Anh hay Canada, phụ huynh có quyền phản biện về những nội dung giáo dục nhạy cảm liên quan đến giới tính, bạo lực hoặc dễ gây xung đột…

Nhà trường có trách nhiệm giải thích, phân tích, thuyết phục. Nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về phụ huynh. Nhưng trình tự vẫn phải như vậy, tránh trường hợp sau này phụ huynh kiện nhà trường không dạy nội dung đó.

Nếu phụ huynh cho rằng đứa con 17 tuổi của mình vẫn còn “bé bỏng” thì cho cháu đợi thêm năm nữa để tự quyết định đọc gì, học gì cũng chưa phải là muộn lắm. Nhưng cũng có thể đây là cơ hội duy nhất để: “Những đứa trẻ có thể đọc một tác phẩm có hành văn vô cùng đẹp, để chia sẻ nỗi đau của một con người mang nỗi mặc cảm tột cùng, và trân trọng cái chúng đang có - sự được nhận ra. Bởi chúng ta chỉ sống ở nhân gian một thoáng”. (BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thủy).

Dù sao đây cũng là ấn phẩm đã được phát hành rộng rãi, nhận được nhiều giải thưởng, nằm trong danh sách bán chạy, đáng đọc trong năm của nhiều đầu báo lớn tại Mỹ.

Có thể nói, đây là một tác phẩm văn chương đáng tự hào của tác giả gốc Việt, nội dung đề cập các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Việc trường quốc tế đề xuất học sinh cấp 3 đọc là điều dễ hiểu. Ít ra, để sau này cháu nào có dịp du học cũng không ú ớ khi được hỏi về cuốn sách chẳng hạn.

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, độ tuổi 17 dù ở thế thế hệ nào cũng muốn chứng tỏ mình đã trưởng thành. Chị phỏng đoán người con 17 tuổi kia sẽ cảm thấy không được thoải mái khi mẹ mình “làm ầm lên trên mạng và mọi người bàn luận” về “việc mình đọc một cuốn sách khiến đời mình nát”.

“Không có chuyện một đoạn văn phá hỏng đời một ai! Chắc chắn đấy!”, chị khẳng định.

Chưa thấy giáo viên trong vụ này lên tiếng nhưng đã có đồng nghiệp lên tiếng thay. Bài viết tâm huyết của cô giáo Vũ Thanh Tâm có đoạn đối thoại với phụ huynh: “Chị hãy xem việc đọc tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian như là dịp cho con chị khám phá một chủ đề cấm kị trong đời sống khi con chưa đủ tuổi, và hãy trao đổi với con, để chuẩn bị cho con yêu lành mạnh, tránh bị tổn thương khi nào con đủ tuổi”.

Điều đáng quý nhất trong mỗi gia đình chính là cha mẹ có thể đối thoại với con cái, về càng nhiều chủ đề càng tốt. Đằng nào đứa con cũng sẽ lớn và phải tự tìm đường đi cho mình. Vì vậy nếu không muốn trở nên “lạc hậu”, bố mẹ phải tìm cách để đồng hành với con thôi.