Anh xe ôm nghiền sách

TP - Từ 10 năm nay, trung bình mỗi ngày anh xe ôm Đinh Văn Dũng đọc sách hai đến ba tiếng đồng hồ. Trong cái túi vải bạt cũ treo bên hông xe lúc nào cũng có mấy cuốn sách. Khi chờ khách, anh lôi sách ra đọc. Nhiều sách, nhưng anh vẫn tới cửa hàng sách để… đọc cọp.

Nhẵn mặt nhà sách

Biết tôi sắp đi Quy Nhơn, một bạn facebook mách: “Nhớ ghé qua hiệu sách Fahasa Quy Nhơn lúc chiều tối, sẽ gặp một độc giả cực hay”!

Không cần hỏi thăm nhiều, tôi nhận ra độc giả đặc biệt ấy ngay. Giữa toàn khách hàng là công chức, cán bộ hưu trí, học sinh, sinh viên… một người đàn ông lam lũ đứng say sưa xem sách. Người qua kẻ lại không làm phân tán sự chú ý của anh.

Cho đến khi ngồi cà phê phỏng vấn, tôi hỏi anh Dũng: suốt mười năm đọc sách ở Fahasa anh có kết bạn hoặc thân thiết với độc giả nào khác không? Câu trả lời là không. Bởi vì vào đến nhà sách anh chỉ tập trung đọc, cũng chả biết xung quanh đang diễn ra những gì.

Ngược lại, khách quen của Fahasa biết anh không ít. Lê Thu Phương (sinh viên khoa Ngữ văn – Đại học Quy Nhơn) chia sẻ trên trang cá nhân: “Biết bác này đọc sách ở Fahasa đã ba năm. Nói chung, hình ảnh của bác trong nhà sách nổi bật đến mức không thể không nhìn. Mình kể với mẹ, có một bác gần tuổi mẹ, ngày nào cũng đứng đọc sách. Mẹ mình bảo: có khi còn chăm hơn con ấy nhỉ!”.

Anh xe ôm nghiền sách ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Đinh Văn Dũng (sinh năm 1965), quê gốc ở Phù Cát, Bình Định từng tốt nghiệp cao đẳng cơ khí. Năm 1990, cơ quan tinh giản biên chế, anh thất nghiệp, dắt díu cả nhà lên Quy Nhơn, làm nghề xe ôm cho đến nay.

Trước khi Fahasa có chi nhánh ở Quy Nhơn, anh Dũng đã là khách quen của rất nhiều nhà sách tư nhân. Đều đặn mười năm nay, trừ những ngày bận việc riêng hoặc ốm đau, kể cả khi trời mưa, cứ tầm 5-7 giờ chiều là anh “điểm danh” ở Fahasa. Miệt mài đọc hai tiếng đồng hồ rồi mới lại tiếp tục buổi chạy xe đêm. Có những cuốn sách dài, anh phải đọc nhiều ngày mới xong. Để ghi nhớ số trang, anh vạch bút bi vào lòng bàn tay. Hôm nào quên bút, anh lén gấp mép “một chút xíu”.

Chị Mai Thu Hằng, Cửa hàng trưởng Fahasa Quy Nhơn tiết lộ: hầu hết nhân viên nhà sách đều quen với sự có mặt của anh Dũng. Họ thể hiện lòng quý trọng với một độc giả yêu sách bằng cách không hề làm phiền khi anh chỉ vào “đọc cọp”. Chị Hằng có cả số điện thoại của anh Dũng để thông báo những khi có đợt khuyến mại, hoặc sách mới. Còn anh Dũng, nhờ địa chỉ Fahasa để nhận thư từ, sách cũ đặt mua vì địa chỉ nhà riêng của anh hơi khó tìm.

Anh xe ôm nghiền sách ảnh 2

Cái “túi ba gang” này anh Dũng luôn mang theo để đựng áo mưa, nước uống, đồ sửa xe và sách.

Đời thay đổi khi ta… theo sách

Hai loại sách anh Dũng đọc nhiều nhất là sách dạy về kinh tế và sách y học có “một tác dụng gì đó thiết thực”. Tiếp đó là sách về chính trị, lịch sử, phong thủy, tâm lý… Chưa bao giờ anh đọc tiểu thuyết hay truyện ngắn.

Một lần, học được cách chữa bệnh trong sách, anh áp dụng thành công, thế là “đọc miết”. Nhà anh có rất nhiều bộ từ điển y học, từ điển các vị thuốc nam để tiện tra cứu. Anh bảo, khám chữa bệnh bây giờ mắc lắm, mình tự chữa được thì tốt.

Thông thường, gặp một bài thuốc ưng ý, anh sẽ tra sách xem cụ thể từng thành phần. Tiếp đó, đến hỏi hai người bạn có cửa hàng thuốc đông y xem đơn như vậy dùng có an toàn không? Khi được khẳng định là có, anh mới quyết định lấy thuốc.

Nhờ tự mày mò, anh đã giải quyết cơ bản các vấn đề sức khỏe của bản thân như đau đầu kinh niên, đau bụng, những bệnh cảm cúm, xương khớp thông thường. Ngoài việc dùng thuốc, còn kết hợp với ẩm thực dưỡng sinh và vận động hợp lý để giảm thiểu ốm vặt.

Đại diện NXB Phụ Nữ, biết thông tin về một anh xe ôm “rất yêu sách” đã đề nghị xếp anh vào danh sách “độc giả lý tưởng”, xứng đáng được nhận sách tặng để cổ vũ nhiệt tình với văn hóa đọc.

Một thầy thuốc đông y ở Quy Nhơn kể: “Đầu tiên, Dũng mang một đơn thuốc chữa đau đầu đến hỏi tôi dùng được không, tôi xem qua thấy không có vấn đề gì bảo dùng được. Một thời gian sau, ổng lại mang một đơn khác đến hỏi. Tôi vẫn nghĩ là Dũng xin ở đâu, mãi sau mới biết toàn tự mày mò trong sách.


Ổng cũng khôn lắm, chỉ chọn đơn trong sách của Nhà xuất bản Y học. Mỗi lần lân la còn hỏi rất kỹ công dụng của từng loại thuốc. Nhiều lúc mệt với ổng, nhưng bù lại, bệnh nhân cẩn thận vậy, thầy thuốc đỡ phiền”.

Trong mười năm đọc sách, bộ sách mà anh Dũng “cảm ơn” nhất là “Dạy con làm giàu”. Anh bảo, tất cả những cuốn sách kinh tế khác, kể cả giáo trình kinh tế anh từng đọc thường đều viết những vấn đề cao xa, vĩ mô, dạy người ta quản lý một công ty hay một tài sản lớn. Trong khi “Dạy con làm giàu” dạy người dân bình thường cách quản lý tiền bạc, tài sản như thế nào.

Trước đó, anh để dành tiền bằng cách “nhét ống heo” hoặc mua vàng. Sau, “làm theo sách”, anh Dũng bán mảnh đất được chia ở quê, mang tiền lên thành phố mua đất đầu tư. Hai trăm mét vuông đất sau mấy năm, chỉ bán đi một phần ba đã hòa vốn. Bây giờ có hơn trăm mét vuông đất “lận lưng”, anh Dũng bảo, “đời có ánh sáng rồi”!

Quá trình mua bán đất cũng là anh tự mày mò và áp dụng các lời khuyên về “đàm phán”, “ngoại giao”, “marketing” trong sách. Tự viết tờ rơi quảng cáo rồi đi dán khắp nơi. Tự gặp gỡ, mặc cả với khách hàng (khoảng vài chục lần gì đó), anh bán được đất, mà không cần mất tiền phí trung gian.

Anh xe ôm nghiền sách ảnh 3

Đọc sách như đi học

Mê sách, anh Dũng cũng thích mua sách. Anh bảo, giống như người ta mua tem, nhà anh có sách theo bộ. Tủ sách là một tài sản đáng kể của riêng anh vì “vợ chẳng quan tâm gì đến sách”, chỉ có con gái út thích sách giống bố.

Thời gian đầu, khi anh đưa về nhà những cuốn sách “dày và nặng” trị giá mấy trăm ngàn đồng “vợ cũng nhăn”. Sau rút kinh nghiệm, muốn mua sách, anh sẽ cố gắng chạy thêm một cuốc xe ôm hoặc nhịn đi một ly cà phê để sao cho tiền mua sách không phạm vào số tiền chung hàng ngày. Con gái anh bắt chước bố, cũng tự trích tiền ăn sáng góp lại để mua sách. Lâu dần vợ quen, giờ không còn cằn nhằn khi bố con anh cứ tha sách về nhà như kiến tha mồi nữa.

Anh bảo, anh đọc sách giống như học sinh đi học. Luôn cố gắng chú ý, tóm tắt và “rút ra bài học”. Thói quen đọc anh Dũng luyện được là gạch chân hoặc ghi chú bên cạnh những đoạn quan trọng để khi cần thì tra cứu cho nhanh.

Thời gian đọc sách của anh quy định như sau: hai tiếng cố định đọc ở nhà sách, tối trước khi đi ngủ đọc một tiếng, và bất cứ lúc nào rảnh vào ban ngày.

Thời gian đầu đến nhà sách, nhiều người thấy anh “dị” quá, cũng nhòm ngó. Lúc đó “rất ngại, rất nản, rất nhiều lúc muốn bỏ”. Cho đến khi đọc được một câu chuyện nhỏ về “ông bóng đèn” Thomas Edison: hóa ra trước khi thành công, ông đã có đến 10.000 thí nghiệm bị thất bại. Kết luận được anh Dũng rút ra là: cứ làm tới làm lui rồi sẽ đến lúc có thu hoạch.

Anh tập thói quen đến nhà sách cũng như vậy, cứ “lì lợm” ba bốn năm, giờ đã thành phản xạ có điều kiện. Hôm nào bận bịu không đi được là bồn chồn bứt rứt. Về nhà thế nào cũng phải tìm cách bù lại chừng đó thời gian đọc mới coi như là qua một ngày suôn sẻ! 

Cho mượn sách, đòi lại “khó ngang đòi tiền”

Câu đầu tiên trong cuộc phỏng vấn, anh Dũng bảo: ngại nói về sách vở lắm, sợ bạn bè, người quen họ lại cười là “làm duyên làm dáng”.

Anh ham đọc, nhưng lại ít bạn cùng sở thích để chia sẻ. Lâu dần, nhà anh tích được nhiều sách, có người biết, muốn mượn. Anh cho mượn vài lần rồi từ chối tất. Lý do là sách với mình là quý, nhưng với người khác có khi họ chả cho là gì. Có những cuốn sách cũ hoặc hiếm, phải tìm mua rất vất vả, cho mượn xong, bạn thản nhiên bảo: mất rồi! Chỉ còn cách tiếc “ngẩn tò te”. Chưa kể, cho mượn sách thì dễ, đòi sách “khó ngang đòi tiền” nên anh hay từ chối khéo: “cuốn đó tôi đang đọc” cho khỏi mất lòng.

Ngày trước, anh Dũng thường chở khách ở khu trung tâm. Sau nhờ “học được cách ngoại giao”, anh có mối công việc đều đặn ở cảng cá. Trung bình mỗi ngày anh chở 10-15 chuyến cá, tôm, cua, mực… từ chợ đầu mối đến các nhà hàng, quán ăn… Thu nhập bình quân 300.000 – 400.000đ mỗi ngày.

Nhờ số tiền bán đất, anh đang dự tính mua một cái xe tải chở hàng, không làm nghề xe ôm nữa. 

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.