AHF nằm trong trụ sở chính của Trung tâm Nguyễn Nga (chi hội người khuyết tật tư nhân rất nổi tiếng ở Bình Định, viết tắt là NNC). Ban nhạc có 12 thành viên, mười người trong số đó đến từ khắp các huyện của Bình Định, sống tại trụ sở NNC, chỉ có hai người nhà gần nên đi về hàng ngày.
Thành viên đầu tiên của AHF mà tôi gặp là Lại Ngọc Trúc (sinh năm 1996) chơi đàn nguyệt. Trúc bị cận thị nặng, nếu bỏ cặp kính dày cộp ra thì hoàn toàn không nhìn thấy gì. Khoảng 9h sáng, Trúc lại ra cửa bế Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1983) vào. Sơn bị di chứng của sốt bại liệt, phải di chuyển bằng xe lăn.
Sơn là thầy giáo dạy vi tính của tất cả các bạn trong NNC. Chính Sơn đã dành hẳn một năm mày mò, thử nghiệm và soạn ra phần mềm dạy vi tính cho các bạn khiếm thị. Hiện tại, tất cả các thành viên của AHF đều có tài khoản facebook và đều có thể sử dụng máy tính thành thạo.
Ngoài nhiệm vụ giúp đỡ các bạn lên xuống, hàng ngày Trúc còn phải đảm đương công việc đi chợ mua đồ ăn cho “cả nhà”. Hỏi Trúc biết trả giá khi mua đồ không, em đáp lại bằng một nụ cười hiền: “Dạ, biết sơ sơ”!
AHF còn có một thành viên cần phải giúp đỡ khi di chuyển là Cao Thị Ngọc Phượng (sinh năm 1984), chơi đàn tranh. Bình thường, Phượng di chuyển bằng xe lăn và bằng tay, nhưng đến NNC, Phượng luôn được Huỳnh Quốc Hùng (sinh năm 1982 - có thể chơi trống, đàn bầu và kèn) giúp bế lên phòng tập.
Phượng chỉ đường, Hùng dò dẫm đi theo. Hùng và Phượng đã kết thành một cặp song ca rất ăn ý. Phượng cũng từng được Huy chương vàng cuộc thi Tiếng hát người khuyết tật toàn tỉnh Bình Định. Nếu band có show, Phượng sẽ đảm nhận chức vụ MC kiêm thủ quỹ.
Tôi đến đúng vào ngày bốn thành viên của AHF phải đi tập huấn ở Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Tám người còn lại tiếp đón tôi bằng “Lý ngựa ô”, “Xuân chiến khu” và “Tám chữ có” do Đỗ Thị Thanh Tuyền (sinh năm 2002) hát solo.
“Đại bản doanh” của AHF nằm gọn trên tầng bốn của NNC, trong một “tổ chim cúc cu” chỉ hơn 10m2. Gần trưa nắng gắt, trong phòng chỉ có mấy cái quạt quay qua quay lại. Không có ai kêu nóng, mọi người chỉ chú ý đến nhạc cụ trong tay mình. Khó xử nhất có lẽ chỉ là lúc tập nhạc. Căn phòng cách âm quá kém khiến hàng xóm không ít lần phàn nàn. Có lần, hàng xóm mời cả “khu vực trưởng” đến dàn xếp. “Khu vực trưởng” đến xem rồi bảo: “Mấy đứa cần tập thì đến nhà bác!”.
AHF được thành lập từ năm 2012, theo sáng kiến của chị Nguyễn Thị Thanh Nga – người sáng lập NNC. Trước đó, NNC đăng tin tuyển người trên đài phát thanh tỉnh Bình Định với yêu cầu rất mở: tất cả người khuyết tật yêu âm nhạc, không kể tuổi tác. Trải qua quá trình sàng lọc, đến nay AHF trụ vững ở con số 12 thành viên, mỗi người sở trường một loại nhạc cụ khác nhau, có người giỏi chơi hai đến bốn nhạc cụ.
Thủ lĩnh của nhóm là Võ Minh Hậu (sinh năm 1980), học guitar nhưng có thể chơi cả trống và organ. Ngoài ra Hậu còn có khả năng sáng tác. Bài hát “Thắp sáng yêu thương” của Hậu khá nổi tiếng, được nhiều chi hội người khuyết tật lấy làm “hội ca”, biểu diễn rộng rãi, phổ biến trên youtube.
Hậu học đàn sớm nhất AHF, đã từng được Huy chương vàng thi hát tại Hội trại Lý Công Uẩn. Khi không có lịch tập, Hậu đi hát đám cưới để kiếm thêm thu nhập. Tối tối, cậu đều hát phòng trà ở Bình Định. Cát-xê bình quân của một đêm diễn từ 150.000-170.000 đồng.
Đỗ Thị Thanh Tuyền sở trường đàn tranh, là em bé hoạt bát nhất band. Nhà Tuyền cách trung tâm mấy chục cây số, nên em ở nội trú. Ba bốn tháng Tuyền về nhà một lần, nhưng về rồi lại muốn lên NNC ngay. Lý do là: “ở nhà chả có ai chơi, ở đây nhiều người chơi cùng vui hơn”. Trước đó, ba Tuyền muốn đăng ký cho con học organ nhưng thầy bảo “chỉ dạy cho người sáng”, nên mãi đến khi nghe tin NNC chiêu sinh, Tuyền mới được chạm vào đàn.
Diệp Văn Thạch (sinh năm 1993) sở trường đàn bầu, người hay “chành chọe” nhất với Tuyền. Nhà Thạch ở Hoài Ân, cách thành phố khoảng 100km. Thạch có tên trong đội hiếu ở quê. Bình thường ở quê có đám, Thạch sẽ đi xe khách về để chơi đàn bầu.
Đào Cao Mạnh (sinh năm 1990), giỏi đàn nhị, ngoài ra có thể chơi trống và organ, là người hóm hỉnh nhất NNC. Tuyền kể, anh Mạnh nói chuyện gì cũng buồn cười, suốt ngày làm em cười rũ. Trước khi đến NNC, Mạnh đã tốt nghiệp khóa học chữ nổi và massage người mù. Khi rảnh, Mạnh sẽ dạy các anh em trong band học chữ nổi. Em út Lệ là học trò giỏi nhất của Mạnh.
Các thành viên khác cũng mỗi người mỗi cảnh, Dương Quang Hiếu (sinh năm 2000) là thành viên đến sau nhưng lại hòa nhập rất nhanh. Hiếu có thể chơi đàn kìm, organ và trống. Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1978), chị cả của AHF, sở trường đàn tranh kiêm việc lên thực đơn hàng ngày. Trần Văn Hưng (sinh năm 2001), giỏi đàn nhị, organ và trống. Nguyễn Ngọc Lũy (sinh năm 1983) sở trường trống dân tộc và nhị.
Đỗ Thị Mỹ Lệ (sinh năm 2004) là thành viên nhỏ nhất của AHF, sở trường đàn tranh. Lệ ít nói, rất rụt rè. Cô giáo kể, những ngày đầu đi học đều phải bố mẹ đưa Lệ mới chịu. Sau bố mẹ bận quá thì bà ngoại đưa. Bà sẽ ngồi chờ cháu từ đầu đến cuối buổi. Thỉnh thoảng có những tình nguyện viên người nước ngoài lưu lại trung tâm dạy tiếng Anh, Lệ là một trong những người học tiếng Anh giỏi nhất NNC nhưng ít chịu nói.
Võ Minh Hậu - Thủ lĩnh của nhóm. Anh biết chơi guitar, trống và organ. Có khả năng sáng tác và còn đi hát phòng trà, đám cưới.
Đều đặn ngày hai buổi, từ bốn năm nay, các thành viên AHF đều có mặt ở NNC để học nhạc. Trung tâm mời đến rất nhiều thầy cô dạy nhạc khác nhau: có thầy dạy đàn bầu, đàn nhị, organ, kèn, trống, đàn nguyệt, đàn kìm v.v…
Ban đầu, AHF được một công ty của Úc tài trợ. Hai năm nay, công ty gặp khó khăn về tài chính, NNC phải huy động mọi nguồn tài trợ khác để duy trì khóa học bốn năm cho 12 thành viên. Theo đó, tất cả thành viên AHF được miễn học phí, NNC tài trợ một nửa tiền sinh hoạt. Các bạn đóng một nửa, tương đương với 10.000 đồng/ngày.
Theo mục tiêu ban đầu NNC đặt ra, các thành viên AHF sẽ phải dành bốn năm để học nhạc. Thời gian tốt nghiệp đã cận kề, mọi người đều mơ ước có show đều đặn để kiếm sống. Hiện tại, trung bình mỗi tuần AHF có một buổi biểu diễn cho khách du lịch tại NNC với cát-xê “tùy tâm”. Xa hơn, là những tour du ca dọc đất nước như Khù Khờ tour.
Bây giờ, mỗi khi Tuyền hát “Tám chữ có” do “học mót” trong buổi biểu diễn của Lê Cát Trọng Lý, mọi người vẫn rất hoài niệm buổi biểu diễn chung “vui quá trời” ấy.
Cơ sở Nguyễn Nga hình thành từ năm 1993, đã trợ giúp 1.139 người khuyết tật cùng 35 nhân viên, giáo viên … bằng cách tạo việc làm tại chỗ như: may mặc, thêu tranh, vẽ tranh, vi tính, ngoại ngữ, xóa mù. Tại cơ sở có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm với đầy đủ các mặt hàng do các em làm ra.
Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ học bổng cho 33 em khuyết tật vào Đại học, Cao đẳng, Trung cấp. Hỗ trợ cho hơn 40 em khuyết tật vận động có việc làm tại nhà: làm hàng thủ công và thắt vòng đeo tay. Hỗ trợ học nghề tại cộng đồng. Hỗ trợ vốn khởi nghiệp. Trợ giúp xe lắc, xe lăn, xe đạp: trên 900 chiếc tính từ 1993.