Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh

TPO - Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là bộ sưu tập gồm 9 đỉnh đồng hay còn gọi là cửu đỉnh, do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Các chuyên gia nhấn mạnh những bản khắc này được coi là "Địa dư chí lược" của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với hàng trăm họa tiết được chạm nổi tinh xảo.

Dấu ấn văn hóa thời Nguyễn

Tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Bản đúc nổi được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam lên 10 di sản.

Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh ảnh 1

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm - cho biết những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là bộ sưu tập gồm 9 đỉnh đồng hay còn gọi là cửu đỉnh, do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835.

Cửu đỉnh là di sản quý giá, là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, cũng như nghệ thuật đúc đồng tài hoa của người Việt.

Cửu đỉnh còn là biểu tượng của sự thống nhất và trường tồn của triều đại. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ nhiều giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á”, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường nêu.

Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh ảnh 2Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh ảnh 3

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế.

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835, hoàn thành năm 1837. Di sản tư liệu này đến nay vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả vị trí đặt chín chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển.

Trải qua 200 năm với sự tàn khốc của chiến tranh và thời gian song cửu đỉnh vẫn nguyên vẹn, chưa từng được sửa chữa dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy bộ cửu đỉnh này có giá trị độc bản và không thể thay thế. Cửu đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1, năm 2012.

Cả 9 chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh bên phải ghi năm đúc Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh.

Cửu đỉnh Huế còn gắn liền với Thụy hiệu các vua nhà Nguyễn. Lấy cao đỉnh làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh, bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh.
Cao đỉnh chính là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế, Nhân đỉnh là thụy hiệu của vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân hoàng đế), Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị (Hiến tổ Chương hoàng đế)…

Các hình ảnh được lựa chọn để thể hiện trên cửu đỉnh có thể coi là một bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ.

Trong đó 34 hình ảnh các địa danh nổi tiếng, trải dài trên lãnh thổ đất nước được chạm khắc hết sức tinh tế thể hiện một cái nhìn tổng thể, một bức tranh toàn cảnh của giang sơn Việt Nam thống nhất.

Cửu đỉnh gắn liền với con số 9 - con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho Trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.

Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh ảnh 4

Trải qua 200 năm với sự tàn khốc của chiến tranh và thời gian, song cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn.

Các hình ảnh được đúc nổi trên cửu đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam, được chọn lọc và sắp xếp theo số 9 như chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ, chín ngọn núi lớn, chín con sông lớn, chín cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng, chín con thú lớn bốn chân, chín con vật linh, chín loại vũ khí, chín loại thuyền, xe, cờ...

Bước tiến ngoại giao văn hóa

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Chủ tịch Ủy ban quốc gia MOW của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) - đánh giá đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

“Việc Thừa Thiên - Huế có thêm một di sản được UNESCO ghi danh sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương”, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nêu.

Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh ảnh 5

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh: mộc bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, châu bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, mộc bản Trường học Phúc Giang, hoàng hoa sứ trình đồ, bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu và những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa nhận định việc 10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh chính là cơ sở thực tiễn để Bộ VHTTDL kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024.

Bà Lê Thị Hồng Vân - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - nhận định việc những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh sẽ góp phần thực hiện vượt mục tiêu của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.

Đây cũng là sự ghi nhận, tin tưởng mà các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu.

Tin liên quan