Bản đúc nổi trên đỉnh đồng ở Huế được ghi danh di sản tư liệu thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hồ sơ "Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới. Những bản đúc này là dương bản duy nhất, đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế.

Chiều 8/5 theo giờ Việt Nam, tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp gồm có đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bản đúc nổi trên đỉnh đồng ở Huế được ghi danh di sản tư liệu thế giới ảnh 1

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp.

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837.

Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm, mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.

Bản đúc nổi trên đỉnh đồng ở Huế được ghi danh di sản tư liệu thế giới ảnh 2

Hình ảnh cao đỉnh tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Các bản đúc đề cao thân phận của người phụ nữ. Vua Minh Mạng đã dùng hình thức đặt tên người phụ nữ lên dòng kênh để ghi dấu công lao - điều hiếm thấy dưới chế độ phong kiến.

Nghệ thuật đúc đồng và kỹ thuật của người thợ cũng tạo nên tác phẩm đặc sắc, độc đáo. Việc đúc chín đỉnh bao hàm ý nghĩa tính thống nhất và trường tồn của triều đại.

Các bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại. Di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt chín chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển.

Bản đúc nổi trên đỉnh đồng ở Huế được ghi danh di sản tư liệu thế giới ảnh 3Bản đúc nổi trên đỉnh đồng ở Huế được ghi danh di sản tư liệu thế giới ảnh 4
Các bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại.

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế còn lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Việc những bản đúc nổi được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10 di sản.

Tại hội nghị lần này, TS. Vũ Thị Minh Hương - nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia - đã tái cử chức danh Phó chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2028.

Cửu đỉnh bao gồm cao đỉnh, nhân đỉnh, chương đỉnh, anh đỉnh, nghị đỉnh, thuần đỉnh, tuyên đỉnh, dụ đỉnh và huyền đỉnh. Đỉnh hình bầu tròn, hai quai hình vuông, và hình tròn, 3 chân. Trên miệng mỗi đỉnh khắc 2 dòng chữ Hán, ghi niên đại đúc và trọng lượng của đỉnh.

Mỗi đỉnh có kiểu thức và chủ đề trang trí riêng, thể hiện các hình ảnh của vũ trụ, sinh vật, thực vật, địa danh sông núi.

MỚI - NÓNG