Ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ ra văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc gửi hồ sơ Mo Mường và nghệ thuật chèo trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO).
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, và di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật chèo vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mo Mường có 9 thể loại: Mo trong lễ tang, Mo vía, Mo giải hạn, Mo xin số, Mo ngày Tết, Mo Thổ công thổ địa, Mo đôi đũa, Mo Mát nhà, Mo Mụ. |
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ di sản tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.
Mo Mường là hoạt động diễn xướng dân gian, được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường. Không gian tổ chức các hoạt động diễn xướng và lời mo được diễn ra trong đời sống cộng đồng và trong từng gia đình tổ chức một nghi lễ.
Chủ thể thực hành Mo Mường là các thầy mo. Thầy mo là người nói, đọc, hát các bài mo khi làm lễ. Mo Mường bao gồm rất nhiều bài mo, đoạn mo được sử dụng trong từng nghi lễ cụ thể.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ 10 đến nay, nghệ thuật chèo đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội. |
Nghệ thuật chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở đồng bằng sông Hồng cùng 2 khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc bộ và Bắc trung bộ. Chèo mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian.