Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân

TPO - Trở lại chiến trường xưa sau 70 năm, Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp - diễn viên đội văn công Đại đoàn 308 quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ - trào dâng xúc động, nhiều kỷ niệm sống động ùa về.

"

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp là diễn viên đội văn công Đại đoàn 308 quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhớ mãi chuyện may cờ Quyết chiến Quyết thắng

Đến tận bây giờ bà Ngô Thị Ngọc Diệp vẫn bất ngờ vì có thể vượt qua được mọi gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch.

Thời đó, dù chỉ mới 17 tuổi nhưng các cô nữ văn công cũng vác quân tư trang và một bao gạo nặng 3-4 kg, thêm chiếc xẻng, cuốc nhỏ đào hầm.

"Ở đơn vị chúng tôi được dặn rằng dù đói rét hay mỏi chân ra sao cũng phải cố gắng. Tinh thần chúng tôi lúc ấy hăng hái kỳ lạ, có lẽ vì luôn nghĩ đến thời khắc chiến thắng, đi đến đâu đánh đâu thắng đến đấy", bà kể lại.

Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân ảnh 1
Bà Ngô Thị Ngọc Diệp biểu diễn múa sạp thời còn trẻ.

Kỷ niệm sâu đậm nhất của bà Diệp trong chiến dịch Điện Biên Phủ có lẽ là hoàn thành lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên đường hành quân.

Bà Diệp và NSƯT Phùng Đệ khi ấy bất ngờ nhận nhiệm vụ thêu cờ Quyết chiến Quyết thắng chỉ với một mảnh vải đỏ. Nhiệm vụ này được giao cho nhiều đơn vị trên đường hành quân, bởi không sẵn cờ từ hậu phương gửi ra mặt trận.

Để có ngôi sao, họ phải nhuộm băng cá nhân thành màu vàng bằng thuốc sốt rét. Họ giã thuốc và nhuộm vải trên đường hành quân. Những chiếc băng gạc được phơi trên balo. Hình ngôi sao và các chữ được cắt từng chữ cái và khâu trên vải đỏ. Phần tua rua của cờ được làm từ ruột dây dù của quân đội Pháp.

"Sau khi làm xong, chúng tôi gửi cho tổ xung kích - lực lượng tiến vào đồn địch đầu tiên. Nếu chiến thắng, chiến sĩ sẽ cắm cờ này báo tin. Khi chiến sĩ nhận được cờ, họ rất vui và đưa lại một quyển sổ và nhờ chép bài hát để khi rảnh sẽ hát với nhau”, bà Diệp nói.

Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân ảnh 2Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân ảnh 3

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Ngô Thị Ngọc Diệp cùng một số đồng đội của mình trở về Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa.

Nhiều cảm xúc trở lại chiến trường xưa

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp cùng một số đồng đội của mình trở về Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa.

Đặt chân trở lại Điện Biên Phủ, mọi ký ức thời thanh xuân sống động trở lại. "Mọi ký ức vui, buồn thời đi chiến dịch, phục vụ bộ đội ùa về. Mỗi khi nhớ về những kỷ niệm này tôi như thấy mình trẻ lại", Trung tá Diệp kể.

Bà chính là người sáng tạo trong gian khó, mượn nắp bật lửa thay chuông buộc vào tay để biểu diễn điệu xòe học từ đồng bào trên đường ra mặt trận.

Dịp này, bà Diệp cùng đồng đội đến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã khuất. Nhớ đến những người đồng đội đã nằm xuống, nước mắt bà rưng rưng bởi nhiều bia mộ chiến sĩ vẫn chưa có tên.

"Đây là nỗi niềm day dứt. Nhưng nhờ sự hy sinh của các chiến sĩ, chúng ta mới có chiến thắng vinh quang như vậy. Tuy có đổ máu, gian khổ đấy nhưng chúng ta đã chiến thắng", bà Diệp nghẹn ngào.

Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân ảnh 4Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân ảnh 5

Hai vợ chồng Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp ôn lại những kỷ niệm thời tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khép lại trang sử hào hùng, Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp phấn khởi bày tỏ sự kỳ vọng vào giới trẻ - những người luôn đầy nhiệt huyết, sáng tạo sẽ đưa đất nước phát triển "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân ảnh 6Cô văn công Điện Biên trở lại chiến trường xưa, kể chuyện may cờ trên đường hành quân ảnh 7
Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp luôn kể cho các con nghe về thời thanh xuân trong "bom, đạn" của mình, các con của bà thấu hiểu, tự hào.

"Chúng tôi đã thành công chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Bây giờ nhiệm vụ của lớp trẻ là làm cho đất nước giàu mạnh. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ ngày càng thông minh, sáng tạo cùng với sự đổi mới không ngừng của khoa học công nghệ, các cháu sẽ nỗ lực cống hiến, phát triển xây dựng đất nước giàu mạnh sánh ngang với các cường quốc năm châu", Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp nhắn nhủ.

Tin liên quan