Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên

TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.

Cuộc gặp xúc động giữa hai thế hệ

Tại Điện Biên, sân khấu chính của cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng, ê-kíp sản xuất đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, lên tới hàng trăm người. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.

Tại Di tích cứ điểm D1 Dominique 2, là cứ điểm ở vị trí cao nhất của dãy đồi phía Đông thuộc phân khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một cuộc gặp đặc biệt diễn ra.

Hai con gái của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật - một trong những chiến sĩ từng chiến đấu tại cứ điểm D1 Dominique 2 - có mặt trong chương trình. Nhiều năm qua hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Kim mòn mỏi đi tìm hài cốt, thông tin của cha ở chiến trường nhưng không có kết quả.

Gia đình chỉ biết thông tin người thân đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi đánh bộc phá.

Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên ảnh 1Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên ảnh 2

Hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Kim được đồng đội cũ của cha nhận làm con nuôi.

Lần này, hai chị em đến Điện Biên Phủ và biết được chính xác liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật thuộc trung đoàn 209, đại đoàn 312 - từng chiến đấu tại cứ điểm D1 Dominique 2.

Họ cũng có cơ hội gặp gỡ những cựu chiến binh cùng đại đoàn 312 với cha mình là ông Nguyễn Hữu Chấp, ông Vũ Đình Ới, ông Bùi Kim Điều. Ba cựu chiến binh đã nhận con gái của đồng đội đã hy sinh làm con gái nuôi, tại chính cứ điểm bắn phá năm nào. Cuộc gặp đặc biệt giữa hai thế hệ khiến khán giả cảm động.

Chương trình cũng gửi tặng món quà tới hai con gái của liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật. Đó là bức chân dung liệt sĩ được hình thành từ phương pháp tổng hợp hình ảnh của ông bà và các con, với mong muốn một phần nào đó thực hiện giấc mơ gặp lại cha của con gái.

"Gạo không được mất hạt nào, pháo bắn đùng đùng cũng đi"

Cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắngcũng đưa khán giả gặp gỡ cựu chiến binh Trần Khôi - nguyên Chính trị viên, Bí thư chi bộ Đại đội xe thồ 101. Ông và đồng đội xuất phát từ Thanh Hóa vận chuyển lương thực tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Sau 70 năm, ký ức về chiến trường năm xưa vẫn được ông lưu giữ vẹn nguyên trong tâm trí. Ông còn lưu lại những kỷ vật chiến trường năm xưa trong nhà như bảo vật quý giá. Tại nhà, cựu chiến binh Trần Khôi có một chiếc tủ riêng ở đầu giường được khóa kín, lưu giữ "khó báu".

Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên ảnh 3

Cựu chiến binh Trần Khôi ngoài 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn khi nhắc về kỷ niệm ở chiến trường xưa.

"Khi tôi tham gia chiến dịch, bà xã ở nhà gửi thư lên nói nhà bị cháy. Con gái lớn chạy kịp ra đường, con nhỏ mấy tháng tuổi phải lấy chiếu cuốn lại, đẩy ra ngoài, may mắn không sao. Bà xã nói tôi cứ yên tâm, hoàn thành nhiệm vụ chuyển lương thực cho bộ đội ăn no, đánh to, thắng lớn... Mặc mưa dầm gió thổi, leo núi leo đèo, không gì có thể ngăn được lực lượng dân công", ông Khôi kể.

Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên ảnh 4Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên ảnh 5

Cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ôn lại kỷ niệm bên đồng đội.

Câu chuyện của những dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ gợi lại bao nỗi vất vả, hiểm nguy nhưng cũng đầy tinh thần quyết tâm.

Bà Nguyễn Thị Điểm - cựu thanh niên xung phong chiến dịch Điện Biên Phủ - nhớ lại nhận nhiệm vụ đi Điện Biên khi đang cấy lúa. "Đá lở, gãy chân gãy tay, không may cuốc vào nhau khi đào hào, khổ lắm. Nhưng riêng gạo không được mất hạt nào, pháo bắn đùng đùng cũng đi. Có người bị pháo bắn hy sinh, quay trở lại chôn cất xong, đoàn thanh niên xung phong lại lên đường. Khi gánh gạo lên đèo Pha Đin, chúng tôi lại cùng bộ đội pháo binh kéo pháo ra theo chỉ thị", bà Điểm kể.

Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên ảnh 6Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên ảnh 7

Dưới lá cờ Quyết Thắng đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.

Ông Đặng Tiến Đậu - cựu dân công hỏa tuyến - bồi hồi nhớ lại những ngày tháng phục vụ chiến dịch. Nhiệm vụ vất vả nhưng ông vẫn thấy vui, vì đồng bào từ miền xuôi, miền ngược đều đoàn kết như anh em một nhà.

Chuyện hậu cần mặt quân y được khai thác sâu hơn ở điểm cầu Hà Nội. Thiếu tướng Nguyễn Tụ - nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y và ông Lê Văn Sầm - chiến sĩ liên lạc của GS.Tôn Thất Tùng tại mặt trận Điện Biên Phủ - kể những câu chuyện về sinh viên y khoa của Hà Nội rời lên chiến trường, sáng kiến có một không hai của các bác sĩ tuyến đầu xuất phát từ Hà Nội...

Dưới lá cờ Quyết Thắng đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phóng sự phân tích, đánh giá. Gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên được huy động cho chương trình.

Tin liên quan