Thắp sáng Hà Nội từ nhiều cây cầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự án cải tạo cầu đi bộ Trần Nhật Duật mới khánh thành góp thêm cho thành phố Hà Nội một không gian nghệ thuật công cộng. Sự đón nhận nồng nhiệt của người dân cho thấy, Hà Nội cần làm đẹp thêm nhiều cây cầu, tạo nên mạng lưới không gian công cộng sinh động.

Đẹp hơn từng góc phố, cây cầu

Quá trình đô thị hóa lấy dần đi các không gian công cộng của Thủ đô. Không dễ để tìm ra một không gian dành cho các cụ già ngồi chơi cờ, các em bé tập xe đạp… như xưa. Không gian nghệ thuật công cộng lại càng khan hiếm hơn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, với vị thế Thủ đô, thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội vẫn thiếu nhiều không gian nghệ thuật công cộng phục vụ người dân, du khách.

Thắp sáng Hà Nội từ nhiều cây cầu ảnh 1

Dự án cầu đi bộ Trần Nhật Duật thu hút đông đảo người dân tham quan Ảnh: TRỌNG TÀI

Gần đây, Hà Nội có thêm một số không gian nghệ thuật như tại Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Dịp 30/4, những nghệ sĩ từng biến khu vực Phúc Tân thành không gian nghệ thuật công bố dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Việc cải tạo cây cầu này kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và phố cổ Hà Nội. Từ chỗ thiếu ánh sáng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh xã hội, cầu đi bộ Trần Nhật Duật đã được khoác lên chiếc áo mới, trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham quan.

Cây cầu được sắp đặt, thắp sáng, trang trí như một “thủy cung” với nhiều họa tiết sinh động như cá, mực, sứa…được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế… Ngay từ những ngày đầu, dự án đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân và du khách.

Chị Nguyễn Thu Hà (Hoàn Kiếm) cho hay, cây cầu đi bộ đã thay đổi diện mạo khu vực: “Tôi vui vì cầu được sửa lại, nâng cấp, mỗi lần đi qua cây cầu như một lần tham quan thủy cung. Tôi ủng hộ nhân rộng những dự án như thế này tại những cây cầu đi bộ khác”.

Thắp sáng Hà Nội từ nhiều cây cầu ảnh 2

Các dự án nghệ thuật công cộng cần được đầu tư, bảo quản để phát huy giá trị

Anh Nguyễn Văn Thành (Ba Đình) hào hứng đưa các con đến trải nghiệm không gian cầu đi bộ Trần Nhật Duật, anh muốn con thấy được cách các họa sĩ tái chế các vật liệu nhằm bảo vệ môi trường.

Nhiều dự án nghệ thuật công cộng hoàn thành cho thấy quyết tâm theo đuổi, nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa của lãnh đạo Thủ đô. Dù chưa có các văn bản pháp lý, quy trình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, nhưng sự phối hợp, hợp tác của chính quyền và các nhà sáng tạo đã có hiệu quả tại dự án.

Nguy cơ xuống cấp

Nhiều người vẫn bày tỏ băn khoăn về “tuổi thọ” của các dự án nghệ thuật công cộng. Dự án nghệ thuật ở Phúc Tân từng rơi vào cảnh hẩm hiu, không thể sử dụng do xuống cấp trầm trọng. Nhiều điểm trang trí trở thành nơi để rác của người dân xung quanh.

Nhân dịp khánh thành dự án nghệ thuật công cộng Trần Nhật Duật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - chủ nhiệm hai dự án - cho biết, sẽ tiến hành đại tu dự án nghệ thuật Phúc Tân sau 4 năm hoàn thành. “Trong dịp này, chúng tôi đã có kinh phí để đại tu dự án nghệ thuật Phúc Tân. Sự xuống cấp đa phần do sự biến đổi của vật liệu theo thời tiết và thời gian”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua, cần nghiên cứu, ban hành các văn bản về cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, làm cơ sở trong việc thu hút đầu tư nhằm khai thác, cải tạo các công xưởng, nhà máy, không gian công cộng ở thành phố. “Cần lập danh mục, đánh giá hiện trạng và kế hoạch sửa đổi, chuyển đổi, nâng cấp các không gian, cơ sở này thành các không gian văn hóa nghệ thuật công cộng; kêu gọi các bên liên quan đóng góp ý tưởng, tài chính....”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Hà Nội đang rất thiếu không gian văn hóa nghệ thuật công cộng, hiện mới chỉ có một số dự án quanh khu vực phố đi bộ: phố bích họa Phùng Hưng, Tinh hoa làng nghề Việt Nam, cầu đi bộ Trần Nhật Duật…

“Không gian nghệ thuật công cộng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho người dân, du khách những trải nghiệm nghệ thuật, tăng khả năng kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng sống cho người dân... Đây cũng là nền tảng để thúc đẩy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo ở thành phố”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

TS. Đặng Hoài Giang (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo thống kê gần đây, diện tích mảng xanh trung bình của Hà Nội khoảng 2-3m2/ người. Ở 5 quận trung tâm, diện tích công viên/ vườn hoa chuyển đổi đối với dân số hiện tại là 1,47m2/ người. Trong bối cảnh như thế, hoàn toàn dễ hiểu khi có đến 79% số người được hỏi cho rằng, Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

MỚI - NÓNG