TS Changhwa Mo (Viện Công nghệ Giao thông Hàn Quốc - KOTI) đưa ra kế hoạch tổng thể 5 bước, thực hiện trong 5 năm (2019-2023), để đường bộ Hà Nội đảm bảo ATGT.
Theo đó, Hà Nội cần đầu tư để đảm bảo cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn, với tổng số vốn dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng/5 năm (bình quân mỗi năm hơn 208 tỷ đồng). Đầu tư để đảm bảo môi trường ATGT đường bộ, tổng vốn 49 tỷ đồng (2 năm đầu khoảng 5 tỷ đồng/năm, 3 năm tiếp theo khoảng 13 tỷ đồng/năm). Đầu tư cải thiện hành vi người tham gia giao thông, tổng chi phí khoảng 195,4 tỷ đồng/5 năm. Đầu tư cải thiện hệ thống quản lý ATGT hơn 134,5 tỷ đồng. Đầu tư đảm bảo ATGT xe máy cần số vốn hơn 37 tỷ đồng.
Tổng số kinh phí cho triển khai kế hoạch này trong 5 năm là hơn 1.461 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 cần hơn 242,7 tỷ đồng, năm 2020 cần hơn 313,2 tỷ đồng, năm 2021 cần 299 tỷ đồng, năm 2022 cần 296 tỷ đồng, năm 2023 cần 306 tỷ đồng.
Số tiền trên dự kiến từ các nguồn, ngân sách, huy động xã hội hóa, tiền phạt xe vi phạm, huy động nhà sản xuất phương tiện đóng góp vì cộng đồng... Các giải pháp thực hiện và kinh phí dự tính được đưa ra dựa trên khảo sát thực tế hệ thống giao thông Hà Nội và kinh nghiệm các nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, ông đồng tính với việc kiểm soát khí thải xe máy, nhưng cần làm từng bước. Theo đó, có thể đặt lộ trình tới năm 2020 chỉ kiểm kiểm định khí thải với xe máy từ 175 cm3 trở lên. Từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra quy trình thực hiện cho các xe khác. Sau đó mới yêu cầu thực hiện với các xe máy phân khối thấp hơn.
“Hiện xe máy từ 175cm3 trở lên không nhiều, nên có thể đưa ra thí điểm để sau đó áp dụng đại trà, và có thời gian chuẩn bị tâm lý với người dân. Khi đã đi được bước đầu tiên, thực hiện những bước tiếp theo sẽ thuận lợi hơn”, ông Hùng nói.
Về đăng kiểm, kiểm định an toàn xe máy, theo ông Hùng, việc này không khó, các đơn vị đăng kiểm hiện nay đều làm được. Thậm chí, nếu có quy chuẩn, các đại lý bảo dưỡng của nhà sản xuất xe máy cũng có thể thực hiện được.
Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện các đại lý, trung tâm bảo dưỡng của các nhà sản xuất xe máy đều được trang bị các máy móc, thiết bị để kiểm tra, bảo dưỡng xe. Do đó, chỉ cần nâng cấp thêm là có thể kiểm định được xe máy. Qua các trung tâm này cũng ràng buộc thêm trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất.
“Tường bức kiểm tra khí thải, tiến tới hạn chế và loại bỏ các xe vượt quá tiêu chuẩn khí thải, thiếu an toàn khi tham gia giao thông. Từ đó từng bước hạn chế phương tiện xe máy, xe cá nhân”, ông Hùng nói thêm.