Xây mới sân Hàng Đẫy: Lo ngại ùn tắc giao thông kéo dài

TP - Ủng hộ chủ trương xây mới sân Hàng Đẫy thành sân hiện đại ở Thủ đô, nhưng khi biết dự án sẽ lấy cả một số trụ sở bên cạnh để xây tổ hợp văn phòng, thương mại, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ. Vấn đề nhiều người lo ngại ở đây là tổ hợp sẽ gây quá tải cho hạ tầng đô thị và ùn tắc giao thông.

Là người thường xuyên được lấy các ý kiến để thực hiện các quy hoạch Hà Nội, trong đó có quy hoạch phát triển Thủ đô và Quy hoạch phát triển GTVT, PGT.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc cho rằng, mọi kế hoạch, phương án xây dựng trên địa bàn thành phố hiện nay phải phù hợp với quy hoạch. Với lĩnh vực giao thông, trước tình trạng lượng người và phương tiện tập trung quá đông trong khu vực nội đô, thường xuyên gây ùn tắc kéo dài, năm 2010 Thủ tướng đã giao cho các bộ ngành và thành phố Hà Nội hoàn thiện Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô.

Xây mới sân Hàng Đẫy: Lo ngại ùn tắc giao thông kéo dài ảnh 1 Trụ sở Sở KH&ĐT dự kiến phải di dời để thực hiện tổ hợp sân thể thao Hàng Đẫy


Theo đó, để giảm áp lực dân cư và lưu lượng phương tiện trên đường, trong Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 đã nêu rõ: Với khu vực nội đô, giới hạn từ đường vành đai 2 trở vào cần kiểm soát sự tăng dân số cơ học. Theo đó với 1,2 triệu dân trong khu vực nội đô như hiện tại, từ nay đến năm 2030 chính quyền thành phố Hà Nội phải giảm (kéo giãn) về mức khoảng 0,8 triệu người (giảm 1/3 so với hiện nay).

Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch, lượng người và phương tiện không những không giảm mà còn tăng vượt cả con số trên. Nguyên nhân của việc này, theo ông Hanh là, chủ trương kéo giãn dân trong khu vực nội đô thực hiện không hiệu quả, cùng với đó trong mấy năm qua, số lượng nhà cao tầng và trung tâm thương mại trong khu vực nội đô tiếp tục được mọc thêm. “Đây mới là nguyên chính khiến các tuyến phố Hà Nội tăng lưu lượng phương tiện, gây ùn tắc kéo dài. Cùng với đó, nhiều giải pháp tổ chức giao thông, cải tạo ngã ba, ngã tư, xây cầu vượt vẫn không giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc”, ông Hanh nêu thực tế.

Đề cập việc xây mới tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy kết hợp với văn phòng, trung tâm thương mại ông Hanh cho rằng, để Thủ đô có sân vận động tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong đó có thể thao là việc làm hợp lý, tuy nhiên lấy thêm trụ sở các cơ quan bên cạnh để mở rộng quy mô theo hướng phát triển các dịch vụ phụ trợ, văn phòng cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Phải đánh giá tác động giao thông, môi trường

Từ thực tế trên, ông Hanh đề nghị, khi xem xét dự án Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành triển khai đánh giá tác động của dự án đến giao thông, môi trường và quy hoạch chung đã được đưa ra.

Ths Vũ Đình Hiền (ĐH GTVT) cũng nêu thực tế, với sức chứa 2 vạn chỗ ngồi, những hôm có trận đấu bóng dù chỉ cấp câu lạc bộ trong nước, giao thông xung quanh sân Hàng Đẫy đã ùn tắc kéo dài, khách đến sân cũng rất khó tìm được nơi đỗ xe. Nay sân được mở rộng gần gấp đôi, phần mở rộng xây cả các tòa nhà văn phòng cao 4 - 8 tầng phục vụ các dịch vụ phụ trợ, thương mại thì không chỉ những hôm có các trận đấu bóng, mà những ngày bình thường giao thông tại đây sẽ bị ảnh hưởng nặng. “Thực tế này đang diễn ra thường xuyên ở các tòa nhà cao tầng có kết hợp với văn phòng, dịch vụ trên nhiều tuyến đường, nút giao thông tại Thủ đô hiện nay”, ông Hiền dẫn chứng.

Theo ông Hiền, Trung tâm thể thao Quốc gia Mỹ Đình được xây dựng quy mô với nhiều chức năng nhưng hiện nay phần lớn là bỏ không, thậm chí nhiều khu vực đang bị sử dụng sai mục đích, Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội cần có các giải pháp linh hoạt để Trung tâm thể thao Quốc gia Mỹ Đình vừa phục vụ các giải quốc tế vừa phục vụ tốt các hoạt động thể thao trong nước, trong đó có thành phố Hà Nội. Trường hợp thành phố Hà Nội vẫn muốn xây dựng sân mới thì nên xây ở khu vực đường vành đai, như vậy vừa không ảnh hưởng nhiều đến giao thông vừa thực hiện đúng các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Tập đoàn T&T cho biết, đối tác của đơn vị là Bouygues của Pháp, tập đoàn có kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao. Tập đoàn này đã từng xây sân Parc des Princes (Công viên các hoàng tử - CLB Paris Saint German) và nâng cấp sân Velodrome (CLB Marseille). 

Vấn đề kết nối giao thông, chống ùn tắc cũng được đặt ra khi Hàng Đẫy biến thành tổ hợp SVĐ thể thao giải trí ở trung tâm Hà Nội. Đại diện Tập đoàn T&T cho biết, giao thông là vấn đề quan trọng được đặt ra từ đầu. Tập đoàn đã thuê một đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm về giao thông, nhằm đảm bảo việc kết nối thuận tiện với giao thông công cộng, cũng như các tuyến tàu điện tương lai. Đó là phương án kết nối với các tuyến đường chính như Cát Linh, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng; Tuyến đường sắt đô thị số 3 (ngầm dưới phố Cát Linh); Tuyến đường sắt số 2A trên cao Cát Linh - Hà Đông; tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa… Thêm vào đó là một số bãi đỗ xe công cộng trong khu vực nhằm giảm phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc khi diễn ra sự kiện.

MỚI - NÓNG