Hứa hẹn những thay đổi lớn về lương công chức

Trung ương sẽ xem xét quyết định về định hướng sửa đổi chính sách tiền lương trong thời gian tới.
Trung ương sẽ xem xét quyết định về định hướng sửa đổi chính sách tiền lương trong thời gian tới.
TPO - Nhiệm vụ của đợt cải cách tiền lương lần này là khắc phục những hạn chế để chính sách tiền lương thực sự trở thành động lực cho lao động.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khoá XII diễn ra vào đầu tuần sau tại Hà Nội sẽ thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Với một số nội dung mới của Đề án, chính sách tiền lương sẽ có những thay đổi lớn, đặc biệt với khu vực công.

Với khu vực công

Theo đó, tiền lương có thể được chia tách rõ ràng, và sắp xếp lại giữa phần tiền lương cơ bản, các khoản phụ cấp và tiền thưởng. Với một thang bảng lương mới được xây dựng phân theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để tiệm cận với khu vực thị trường.

Sẽ có 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo; bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Tương lai có thể thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; trao cơ chế cho người đứng đầu được quyết định mức lương thuê chuyên gia, nhà chuyên môn…

Đối với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp, như lái xe, tạp vụ, bảo vệ…) thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức như hiện nay.

Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Cùng với cải cách tiền lương, sẽ tiếp tục thực hiện tinh giảm bộ máy, giảm biên chế…

Với khu vực doanh nghiệp

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ. 

Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp. 

Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của Ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế. 

Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. 

Hiện, trong đề xuất sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012, đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, phần lương của người lao động tại doanh nghiệp đã có những đề xuất theo các định hướng trên. 

Theo đó, Dự luật đưa ra các tiêu chí mới cho việc xây dựng mức lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu theo tháng, tuần, giờ; xoá bỏ các quy định về thang, bậc lương tại doanh nghiệp… Với lương tối thiểu vùng, đơn vị soạn thảo đề xuất quy định rõ các tiêu chí để xác định lương, như nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế...

Việc quy định rõ các tiêu chí xác định lương tối thiểu vùng, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, những thay đổi trên nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh luận giữa người lao động và người sử dụng lao động tại mỗi kỳ bàn tăng lương. 

Với lương tối thiểu theo tuần, giờ (thay vì chỉ lương tối thiểu theo tháng), Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, có nhiều người lao động làm thêm, làm theo ca, nhưng hiện chỉ có lương tối thiểu theo tháng, dẫn tới khó áp dụng, tính toán để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nữ từ 55 tuổi lên 60 tuổi, nam từ 60 tuổi lên 62 hoặc 65 tuổi.

MỚI - NÓNG