Ngày 23/4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Đề cập vấn đề cải cách BHXH, theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, vấn đề quan trọng là tập trung bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Muốn vậy, cần thiết kế xây dựng chính sách bảo hiểm theo ba tầng. Trong đó, thứ nhất là tầng an sinh, lương hưu xã hội; tầng thứ hai là bảo hiểm bắt buộc; và tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động đóng thêm bảo hiểm.
Một nội dung quan trọng khác cũng được xem xét, theo ông Dung là việc điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện chúng ta đang quy định 20 năm, nhưng có những người tham gia 10 năm, 15 năm thì không thể theo được nữa. Hiện có khoảng 230 nghìn doanh nghiệp đóng BHXH, trong khi số liệu cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, còn trên 300 nghìn doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, ước tính với khoảng 3 triệu người.
“Làm sao để tiến tới bảo hiểm toàn dân, cho mọi người dân khi về già được hưởng bảo hiểm, có mức sống ổn định. Chúng tôi trình theo lộ trình, trước mắt giảm xuống 15 năm, sau một thời gian giảm xuống 10 năm, đương nhiên là đóng ít hưởng ít”, ông Dung cho hay.
Việc điều chỉnh lương hưu có liên quan đến nội dung kéo dài thời gian lao động theo lộ trình. Bộ trưởng Dung cho biết, việc điều chỉnh tuổi hưu với người lao động, trong đề án đưa ra hai phương án. Phương án một là tăng tuổi hưu lên 62 đối với nam và 60 tuổi đối với nữ; phương án hai là nam 65, nữ 60 tuổi.
Tuy nhiên, ông Dung nhấn mạnh, cả hai phương án đều thực hiện theo lộ trình. Phương án một sẽ được thực hiện theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng, còn phương án hai, mỗi năm tăng 4 tháng để không gây sốc cho xã hội. “Đây là bài học của Ý, điều chỉnh 4 tuổi trong 10 năm gây sốc toàn tập, cuối cùng phải điều chỉnh toàn bộ vì nó làm thay đổi cơ cấu lao động”, ông Dung nói.