'Cán bộ sẽ nhận lương theo chức vụ, bỏ phụ cấp'

Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: H.N
Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: H.N
Thay vì hưởng lương theo ngạch, bậc và phụ cấp chức vụ, bảng lương mới của lãnh đạo sẽ nêu rõ số tiền nhận hàng tháng.

Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được báo cáo Bộ Chính trị để trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khai mạc vào tuần tới.

Ông Nguyễn Quang Dũng - Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ), trao đổi với báo chí về một số điểm mới của Đề án.

"Khuyến khích những người làm chuyên môn, nghiệp vụ"

- Vì sao việc cải cách tiền lương được đề xuất vào thời điểm này, thưa ông?

- Việt Nam đã thực hiện cải cách tiền lương 4 lần vào các năm 1960, 1985, 1993, 2003 nhưng đến nay chính sách tiền lương vẫn tồn tại nhiều bất cập. Mức lương cơ sở để dùng tính bảng lương theo ngạch bậc, chức vụ thấp, cụ thể là hơn 1,3 triệu đồng. Một người tốt nghiệp đại học lương nhân hệ số 2,34 chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập này là thấp so với nhu cầu cuộc sống cũng như tiền lương trên thị trường.

Tiền lương quy theo hệ số nhân với lương cơ sở dẫn đến việc cán bộ, công chức chỉ nhớ hệ số mà không biết được giá trị thực của tiền lương. Việc có quá nhiều phụ cấp như hiện tại cũng dẫn đến thực trạng tiền phụ cấp nhiều hơn lương cơ bản, gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề có phụ cấp và không có phụ cấp hoặc phụ cấp thấp hơn. Đây là bất cập tạo sự rối rắm, phức tạp trong hệ thống tiền lương lâu nay.

Ngoài ra, việc thiết kế tiền lương theo ngạch cộng phụ cấp chức danh lãnh đạo khiến nảy sinh trường hợp vị trí cao nhưng mức lương thấp hơn cấp dưới. Tất cả những bất cập đó đòi hỏi phải cải cách chính sách tiền lương.

- Những giải pháp đột phá mà Ban soạn thảo Đề án đưa ra để giải quyết những bất cập này là gì?

- Kế thừa việc thực hiện Nghị quyết trung ương 7 khoá XI về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo Đề án trình Trung ương sắp tới đề xuất hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với Luật cán bộ, công chức và viên chức.

Theo thiết kế tiền lương hiện hành, những người giữ chức vụ lãnh đạo kể cả bầu cử và bổ nhiệm đều xếp lương theo công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Ví dụ như tôi là vụ trưởng, hưởng lương ngạch chuyên viên cao cấp, thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,0. Ai cũng hiểu lương của mình là bao nhiêu phẩy, nhưng không ai nói được cụ thể tiền lương của mình là bao nhiêu.

Trong thiết kế cải cách tiền lương sắp tới, chúng tôi đề nghị thiết kế một bảng lương theo chức vụ lãnh đạo. Ví dụ chức vụ trưởng thì được hưởng mức lương 17 triệu đồng, ai giữ vị trí này thì hưởng mức lương đó và không phải thi nâng ngạch.

Chúng tôi cũng thiết kế một bảng lương chuyên môn nghiệp vụ áp dụng chung cho những người không giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương này đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo, thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ phát triển để được tăng lương, không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo.

Các khoản bồi dưỡng được chuyển vào lương chính

- Đề án nêu việc bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Nội dung này được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Trước đây, do mức lương thấp nên trong các quy định của nhà nước cho phép công chức được hưởng thêm một số chế độ ngoài lương. Ví dụ như cán bộ, công chức khi xây dựng văn bản pháp luật thì được chi bồi dưỡng, tiền hội họp… Đây thực chất là nhiệm vụ của công chức, nhưng họ vừa có tiền lương, vừa có nguồn thu từ việc này dẫn đến lẫn lộn các khoản chi, mà bản chất tất cả đều từ ngân sách nhà nước.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất tăng mức lương đối với cán bộ, công chức do nhà nước quy định, bỏ các khoản thu mang tính không chính thống, không thường xuyên để các cơ quan tập trung làm nhiệm vụ. Các khoản bồi dưỡng nói trên sẽ được chuyển vào lương chính.

- Nếu Đề án được Trung ương thông qua thì bao nhiêu người được hưởng lợi?

- Không nên dùng từ hưởng lợi vì tăng lương chỉ là một khía cạnh của Đề án, trong đó chúng tôi còn thiết kế nhiều nội dung nữa. Khi Đề án được thông qua, những người chịu ảnh hưởng bao gồm toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

- Muốn cải cách tiền lương thì phải có nguồn tài chính đảm bảo. Đề án lần này đưa ra giải pháp nào để đảm bảo tính khả thi của các đề xuất mới, thưa ông?

- Trên cơ sở tính toán, chúng tôi đã đề xuất các khả năng để có nguồn tài chính đáp ứng cải cách tiền lương. Cụ thể, đề án nêu rõ hàng năm ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cũng được bãi bỏ.

Bên cạnh đó, chúng tôi xác định cải cách chính sách tiền lương phải gắn chặt với việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương sẽ được sửa đổi, hoàn thiện. Các cơ quan cũng sẽ được phân cấp, giao quyền tự chủ...

- Tại sao ban soạn thảo lại xác định thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới cho khu vực công từ năm 2021 mà không phải ngay sau khi đề án được Trung ương thông qua?

- Quốc hội đã thông qua nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó có nội dung tăng mức lương tối thiểu trung bình 7% mỗi năm giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, từ nay đến 2020 dự toán ngân sách đã được chốt nên không thay đổi được nữa.

Ngoài ra, để thiết kế hệ thống tiền lương mới thì Chính phủ cũng cần có thời gian. Sau khi nghị quyết Trung ương ra thì các cơ quan chức năng phải ban hành văn bản thể chế hoá nghị quyết của Đảng thành văn bản quy phạm pháp luật. Việc làm luật phải mất từ 2-3 năm.

Như vậy, không phải chúng tôi làm chính sách cho nhiệm kỳ sau, mà ngay nhiệm kỳ này, nếu đề án được thông qua thì chúng tôi sẽ bắt tay thực hiện ngay.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG