Trung Quốc tập trận bất thường trên biển Hoa Đông

Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông. Ảnh: China Daily
Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông. Ảnh: China Daily
TP - Hải quân Trung Quốc vừa tổ chức diễn tập đơn phương trên biển Hoa Đông. Giới phân tích cho rằng, hoạt động này rất hiếm xảy ra trên vùng biển này và một phần lý do liên quan biển Đông.

Sáu tàu hải quân, trong đó có 1 tàu khu trục tên lửa, 3 tàu khu trục nhỏ và 2 tàu tiếp tế, cùng nhiều trực thăng quân sự đã tham gia đợt tập trận hôm 18/8, nhật báo của quân đội Trung Quốc và hãng thông tấn Xinhua đưa tin. Chuyên gia hàng hải Li Jie từ Bắc Kinh nói rằng, Trung Quốc rất hiếm tập trận một mình trên khu vực này. “Hải quân Trung Quốc tập trận chung với hải quân Nga gần biển Nhật Bản vào năm ngoái, nhưng rất hiếm khi quân đội Trung Quốc tập trận một mình trên quy mô lớn ở khu vực này”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông  Li.

Ông Hu Bo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược đại dương thuộc ĐH Bắc Kinh, cho rằng, đợt tập trận này một phần liên quan quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng chủ yếu để thể hiện sức mạnh hải quân ngày càng mạnh của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc liên tục mở rộng tầm hoạt động trong những năm gần đây. Tháng 9/2015, bốn tàu hải quân Trung Quốc bị phát hiện đi vào biển Bering nằm giữa Nga và Alaska. Đây được coi là lần đầu tiên tàu quân sự Trung Quốc đi vào khu vực này và là dấu hiệu Trung Quốc đang mở rộng hiện diện ở các vùng biển xa. “Hải quân Trung Quốc sẽ làm nhiều thứ chưa từng làm trước đây”, ông Hu nói.

Hải quân Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động gần Nhật Bản trong những năm gần đây. Một tiểu hạm đội tàu Trung Quốc đã đi vòng quanh bờ biển Nhật Bản hồi tháng 2 năm nay. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng sau khi một đội gần 300 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc tiến sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đầu tháng 8, Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông nhằm tăng cường “cường độ tấn công, độ chính xác, tính ổn định và tốc độ của các lực lượng trong bối cảnh nhiều tác động điện tử”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo. Đợt tập trận này có cả lực lượng không quân của hải quân, các tàu ngầm, tàu chiến và dân quân biển.

Trả đũa Nhật Bản trên biển Đông

“Cuộc tấn công phủ đầu chống lại sức mạnh trên biển của “kẻ thù” do các tàu chiến và lực lượng không quân của hải quân thực hiện… là điểm nhấn trong cuộc tập trận đối đầu”, báo quân đội Trung Quốc viết về đợt tập trận vừa diễn ra. Xinhua dẫn một nguồn tin quân đội giấu tên nói rằng, một tàu nước ngoài đã cố theo dõi đợt tập trận này, nhưng đã vấp phải “sự phản ứng thích đáng từ các tàu chiến Trung Quốc”. Ông Li cho rằng, đợt tập trận lần này là nhằm trả đũa việc Nhật Bản đưa lực lượng phòng vệ biển đến biển Đông.

Philippines hôm 18/8 tiếp nhận 1 trong 10 tàu tuần tra từ Nhật Bản theo thỏa thuận hỗ trợ phát triển chính thức để Manila phát triển năng lực trên biển nhằm đối phó tình hình căng thẳng trên biển Đông. Tàu phản ứng đa nhiệm dài 44m sẽ mang tên BRP Tubbataha và được trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Con tàu này được công ty Japan Marine United ở Yokohama sản xuất với chi phí 7,3 tỷ peso (158 triệu USD) vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản. Philippines đóng góp 1,4 tỷ peso cho dự án đóng 10 tàu sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, ông Armando Balilo, cho biết, con tàu sau khi được bàn giao có thể sẽ được đưa ra tuần tra ở biển Đông. Không chỉ giúp Philippines tàu tuần tra, Nhật Bản cũng đã đồng ý cho Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.  

Indonesia mong sớm có COC

Indonesia mong muốn Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) sẽ hoàn thiện ngay trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tháng 9 tại Lào, Jakarta Post đưa tin hôm qua. COC có vai trò quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng trên biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir nói. ASEAN và Trung Quốc mới đây đặt mục tiêu hoàn thành phần khung của COC vào giữa năm 2017.

MỚI - NÓNG