Xung đột Nga - Ukraine ngày 25/4: Hệ thống phòng không Buk-M1 của Nga bị phá hủy khi chưa kịp khai hỏa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 của Nga trên một trong những mặt trận "nóng" nhất.

Hãng Pravda ngày 25/4 đưa tin "trong quá trình hoạt động trinh sát trên một trong những mặt trận nóng nhất, trung đoàn biệt động số 3 của Lực lượng tác chiến đặc biệt đã phát hiện một hệ thống Buk-M1 của Nga đang chuẩn bị phóng tên lửa".

"Tọa độ mục tiêu đã được chuyển cho đơn vị tên lửa và pháo binh của chúng tôi. Hệ thống Buk-M1 chưa kịp khai hỏa thì đã bị phá hủy", nguồn tin của Pravda cho biết.

Thông tin cụ thể về địa điểm và thời gian diễn ra vụ tấn công không được tiết lộ.

Nguồn: Pravda

Quân đội Nga loại bỏ xưởng sản xuất máy bay không người lái của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/4 cho biết quân đội nước này đã loại bỏ một xưởng sản xuất máy bay không người lái (UAV) của quân đội Ukraine trong 24 giờ qua.

"Máy bay tác chiến/chiến thuật, lực lượng tên lửa và pháo binh của các nhóm quân Nga đã phá hủy một trạm radar quan sát toàn cảnh P-18, xưởng sản xuất UAV và kho lưu trữ nhiên liệu của quân đội Ukraine, đồng thời tấn công nhân lực và khí tài quân sự của đối phương ở 117 khu vực", Bộ cho biết trong một tuyên bố.

Nga nói Ukraine có thể dùng tên lửa ATACMS tấn công cầu Crimea

Apty Alaudinov - chỉ huy đơn vị Akhmat của Cộng hòa Chechnya (thuộc Nga) kiêm quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, nói với Tass rằng Kiev có thể cố gắng tấn công cầu Crimea bằng cách sử dụng tên lửa ATACMS mà Mỹ viện trợ.

Hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật gói viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi được Quốc hội thông qua. Việc cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ukraine dự kiến sẽ được nối lại vào cuối tuần này.

"Chúng ta nên hiểu rằng gói viện trợ mà Mỹ đang cố gắng cung cấp cho Ukraine ban đầu nhằm mục đích giúp Kiev có thể làm được điều gì đó phi thường trên chiến trường. 2/3 số tiền này rõ ràng sẽ ở lại Mỹ. Còn một phần trong đó, bao gồm cả hệ thống ATACMS và các loại vũ khí khác sẽ được chuyển đến Ukraine với tư cách viện trợ. Tôi nghĩ những tên lửa này sẽ được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Không loại trừ khả năng họ có thể tấn công cầu Crimea", ông Alaudinov nói và cho biết quân đội Nga sẽ cố gắng hết sức để đẩy lùi các cuộc tấn công như vậy.

Mỹ âm thầm chuyển tên lửa ATACMS tầm xa tới Ukraine

Mỹ trong những tuần gần đây đã âm thầm chuyển tên lửa tầm xa tới Ukraine để sử dụng trong cuộc xung đột với Nga, và Ukraine đến nay đã sử dụng chúng hai lần, một quan chức Mỹ cho biết hôm 24/4.

Những tên lửa này nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt vào ngày 12/3. Quan chức này không cho biết có bao nhiêu tên lửa đã được gửi đi.

Các tên lửa đã được sử dụng lần đầu tiên lúc rạng sáng 17/4 nhằm vào một sân bay Nga ở Crimea, cách chiến tuyến Ukraine khoảng 165 km.

Ngay sau đó, Ukraine tiếp tục sử dụng vũ khí này lần thứ hai nhằm vào lực lượng Nga ở đông nam Ukraine.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Jake Sullivan, trong một cuộc họp báo, xác nhận một "số lượng đáng kể" tên lửa đã được gửi đến Ukraine và cho biết "chúng tôi sẽ gửi thêm".

Ông nói rằng Ukraine đã cam kết chỉ sử dụng vũ khí Mỹ bên trong lãnh thổ nước này, không nhằm vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Ukraine không coi bán đảo Crimea, Vùng Kherson, Zaporozhye, Donetsk và Lugansk là một phần của lãnh thổ Nga, dù những khu vực này tuyên bố đã sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Việc có gửi ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) với tầm bắn lên tới 300 km cho Ukraine hay không đã được thảo luận ở Mỹ trong nhiều tháng. ATACMS tầm trung được cung cấp vào tháng 9 năm ngoái.

Lầu Năm Góc ban đầu phản đối chuyển giao tên lửa tầm xa vì lo ngại việc giảm số tên lửa trong kho dự trữ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Cũng có lo ngại rằng Ukraine sẽ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Quan chức Mỹ cho biết việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa do Triều Tiên cung cấp vào tháng 12 và tháng 1 đã khiến Washington đổi ý. Trên thực tế, Nga chưa từng xác nhận việc nhận và sử dụng tên lửa Triều Tiên.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến Mỹ đổi ý là việc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. “Chúng tôi đã cảnh báo Nga về điều đó”, quan chức này nói. "Họ đã thay đổi mục tiêu của mình”.

Hồi tháng 1, Mỹ đã tìm ra cách giải quyết mối lo ngại về mức độ sẵn sàng của quân đội và bắt đầu mua tên lửa mới của Lockheed-Martin.

Tổng thống Biden đã gặp nhóm an ninh quốc gia của mình vào giữa tháng 2 và đồng ý gửi tên lửa tới Ukraine.

Thách thức vào thời điểm đó là tìm ra cách trả tiền cho số tên lửa này. Mỹ đã cạn kiệt tất cả các khoản tài trợ trong khi Quốc hội chưa thông qua dự luật viện trợ.

Cơ hội đã xuất hiện vào tháng 3, khi một số hợp đồng của Lầu Năm Góc được đưa ra đấu thầu. Nhà Trắng đã có thể sử dụng số tiền chênh lệch để gửi gói 300 triệu đô la hỗ trợ cho Ukraine.

Quan chức Mỹ cho biết ông Biden đã yêu cầu đưa ATACMS tầm xa vào gói tài trợ này, nhưng thực hiện một cách bí mật để duy trì an ninh và đảm bảo yếu tố bất ngờ cho các hoạt động của Ukraine.

Theo Pravda, Tass, RT
MỚI - NÓNG