Tình hình thu ngân sách 9 tháng năm 2015 cho thấy áp lực tài khóa còn tiếp diễn, thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015. Điều đó do thu ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng.
Tổng nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). “Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững, nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách nhà nước”, WB đánh giá.
Theo WB, tiến bộ trong quá trình tái cơ cấu không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước và chậm lại trong năm 2015.
Ngoài ra, dù hoạt động củng cố ngành ngân hàng (sáp nhập và mua bán ngân hàng thương mại) đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2015, nhưng nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn.
Điều này do thiếu nguồn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, không có khung pháp lý phù hợp đã gây cản trở Cty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) giải quyết nợ xấu.
WB đánh giá, nửa đầu năm 2015, GDP Việt Nam tăng 6,3%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua (được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng).
Lạm phát thấp đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng kiểm soát tiền tệ, giảm lãi suất…
WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,2%, và đạt mức 6,3% vào năm 2016 và 2017.