Giá vàng tăng 'điên cuồng' bất chấp nghỉ lễ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng nay (27/4), cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều tăng mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC vượt mốc lịch sử lên 85,2 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn lên hơn 76 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tỷ giá USD bắt đầu hạ nhiệt.

Giá vàng miếng hơn 85 triệu đồng/lượng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 83 - 85,2 triệu đồng/lượng mua vào -bán ra, tăng 900.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu 83,25 - 85,15 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 850.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán.

Giá vàng tăng 'điên cuồng' bất chấp nghỉ lễ ảnh 1

Giá vàng miếng SJC lên hơn 85 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn cũng tăng mạnh lên trên 76 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn tròn trơn 74,68 - 76,28 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng mạnh 1,06 triệu đồng/lượng chiều mua và tăng 940.000 đồng/lượng chiều bán so với sáng qua.

Vàng nhẫn của Tập đoàn Doji niêm yết 75,05 - 76,7 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 1,25 triệu đồng/lượng chiều mua và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.338 USD/ounce, tăng 7 USD/ounce so với sáng qua.

Giá vàng trong nước tăng điên cuồng, đặc biệt là vàng miếng SJC trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước “ế” vàng đấu thầu.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng mới đây cho biết, trong quý 1/2024, giá vàng SJC, vàng nhẫn duy trì đà tăng với biên độ chênh lệch giá mua - bán ở mức cao, khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch vàng trong nước với giá vàng thế giới dù có giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 3.

Mức chênh lệch này được dự đoán có thể co hẹp lại nhưng giá vàng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng "nóng" và đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Do vậy việc kiểm soát giá vàng vẫn là yêu cầu cấp bách.

Trong loạt giải pháp "hạ nhiệt" giá vàng, điểm nhấn là việc thực hiện phiên đấu thầu vàng miếng. Nếu lượng cung vàng qua đấu thầu đạt đủ khối lượng sẽ giúp giảm giá vàng trong nước trong dài hạn, từ đó kéo sát chênh lệch giá, như đã diễn ra trong năm 2013.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trương Hoàng Diệp Hương - chuyên gia Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - cho biết, vấn đề đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước là hài hòa giữa việc quản lý thị trường vàng và kiểm soát tỷ giá. Bởi nếu lượng cung thấp sẽ khiến tác động duy trì chỉ ngắn hạn. Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua thêm vàng từ thị trường quốc tế để duy trì nguồn cung trong nước sẽ tạo áp lực làm tăng tỷ giá.

Tỷ giá hạ nhiệt

Sáng 27/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.246 đồng/USD. Nếu so với mức đỉnh trung tâm cách đây 4 ngày, tỷ giá sáng nay hạ nhiệt khoảng 30 đồng.

Giá vàng tăng 'điên cuồng' bất chấp nghỉ lễ ảnh 2

Tỷ giá USD giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp.

Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giảm giá USD. Vietcombank đang giao dịch đồng USD mua vào 25.148 đồng/USD, bán ra 25.458 đồng/USD, giảm khoảng 30 đồng so với mức đỉnh sát vùng 25.490 đồng vài ngày trước. Tại BIDV niêm yết 25.158 - 25.458 đồng/USD mua vào - bán ra.

Giá USD ở các ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẵn sàng can thiệp bán ngoại tệ ra thị trường.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tỷ giá đã hạ nhiệt và còn mất giá khoảng 4,8% so với cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức mất giá của một số đồng nội tệ của nhiều thị trường khác.

"Tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều hành tỷ giá, ổn định chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Có những giải pháp để thực hiện điều này gồm điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa; điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá, tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu" - ông Tú khẳng định.

MỚI - NÓNG