Nợ xấu: Bán nhanh về đích

Nợ xấu ngân hàng giảm nhanh nhờ bán nợ. Ảnh: Trần Việt.
Nợ xấu ngân hàng giảm nhanh nhờ bán nợ. Ảnh: Trần Việt.
TP - Đến thời điểm này, nợ xấu ngân hàng giảm rất nhanh; mục tiêu về dưới ngưỡng 3% trước ngày 30/9/2015 chắc chắn đạt. Tuy nhiên, không đơn giản bán cho VAMC là “nhẹ” nợ mà đi kèm ngân hàng lập tức phải ngậm ngùi tăng trích lập; giảm lãi.

Chạy nhanh

Theo kế hoạch từng công bố của VAMC, nhiều ngân hàng quốc doanh có số nợ xấu lớn phải chuyển cho VAMC. Tính toán trước đó, tổng nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng do NHNN công bố vào khoảng gần 139.000 tỷ đồng. Một thông tin vừa được đại diện VAMC xác nhận, do bán nợ cho VAMC, cho đến nay nợ xấu của Agribank đã về mức rất đẹp rồi.

Phân tích về cổ phiếu ngành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (mã CK: CTG) ngày 20/8,  Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, năm 2015, VietinBank có kế hoạch phát hành 8.000 tỷ VNĐ trái phiếu thứ cấp và đã phát hành được 4.500 tỷ VNĐ tính đến 30/6/2015. Tình hình chất lượng tài sản, VietinBank hướng đến việc quản lý tổng số nợ xấu, bao gồm cả nợ từ Nhóm 3 đến Nhóm 5 và dư nợ đã bán cho VAMC, ở mức dưới 2%.

Tại buổi gặp mặt nhà các nhà đầu tư đại diện cho các quỹ đầu tư và các công ty chứng khoán (8/9), đại diện Ngân hàng Đầu tư & phát triển (BIDV) cho hay tính đến thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức 2,7%, do ngân hàng đã thực hiện rà soát lại các nhóm nợ, cộng thêm việc sáp nhập các khoản nợ xấu từ ngân hàng MHB. Đối với trái phiếu đặc biệt của VAMC, BIDV cho biết chỉ tiến hành trích lập dự phòng (20%) từ năm sau, vì vậy khoản này sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm nay. Thêm nữa, BIDV kỳ vọng có một khoản 1.800 tỷ đồng đến từ việc thu nợ ngoại bảng.

Cán đích

Năm 2014, tổng số nợ xấu NH cổ phần Sài Gòn (SCB) bán cho VAMC là 11.409 tỷ đồng. Theo kế hoạch, SCB sẽ phải trích lập dự phòng 20%/năm cho phần trái phiếu đặc biệt VAMC. Các ngân hàng cổ phần khác như LienVietPostBank đã bán 1.232 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt trong năm 2014. Sacombank đã thu hồi nợ gần 354 tỷ đồng, chuyển đổi trái phiếu VAMC 4.349 tỷ đồng (dư nợ gốc là 4.984 tỷ đồng). Ngoài ra, trong năm 2014, ACB đã bán 1.043 tỷ đồng cho VAMC và đối lại trái phiếu đặc biệt ở mức 970 tỷ đồng…

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đến cuối năm nay đưa tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng về dưới 3%. NHNN đã giao chỉ tiêu số nợ xấu phải được xử lý cho từng NHTM (gồm tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC). Cụ thể, đối với số nợ xấu ngân hàng tự xử lý, đến ngày 31/7, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán số nợ xấu đó cho VAMC trong tháng 8 và 9/2015. Đối với số nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30/6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% số nợ xấu phải bán cho tổ chức này và đến ngày 31/8 phải hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao từ đầu năm.

Thông tin từ VAMC tính đến 31/8/2015, VAMC đã phê duyệt mua 77.273 tỷ đồng, dư nợ gốc nội bảng với giá mua 70.554 tỷ đồng và phát hành TPĐB được khoảng 68.000 tỷ đồng. “Với kết quả trên, hiện tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn trên 3% một chút. Và chắc chắn đến 30/9, nợ xấu được đưa về mức 3%, thậm chí có thể dưới mức này”- Ông Vũ Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT VAMC khẳng định.

“Cái được lớn nhất trong việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là làm “sạch” bảng cân đối kế toán, nhưng các ngân hàng phải trích lập khoản dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại. Vì thế, bán nợ xấu càng nhiều thì lợi nhuận càng giảm do phải trích dự phòng nhiều”- Một chuyên gia ngân hàng bình luận.

Từ đầu năm, NHNN đã yêu cầu  ngân hàng phải xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý chi tiết và nghiêm túc thực hiện lộ trình xử lý nợ xấu. Bên cạnh việc mua nợ tích cực, VAMC tiếp tục phối hợp với các TCTD để đôn đốc thu hồi nợ… Đến hết tháng 8/2015, VAMC đã thu hồi, xử lý được gần 8.000 tỷ đồng nợ xấu, gần gấp đôi so với con số nợ xấu được xử lý cả năm 2014. Tính từ khi mua khoản nợ xấu đầu tiên đến nay, số tiền thu hồi nợ được 13 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG