Hạn, mặn ở ĐBSCL có thể tương đương mùa khô lịch sử 2015-2016

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt, mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là rất lớn, cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn đến sớm và sâu.

Xâm nhập mặn có thể xuất hiện sớm

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đỉnh lũ đầu nguồn tại ĐBSCL năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. Tại Tân Châu dao động ở mức 3,1-3,3m; tại Châu Đốc từ 2,8-2,9m. Nhìn chung, đỉnh lũ năm 2023 ở mức dưới báo động 1, thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 và thấp hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm.

Dự báo dung tích Biển Hồ (Campuchia) lớn nhất năm 2023 vào khoảng 25-30 tỷ m3, tương đương năm 2015 và thấp hơn năm 2019. Dòng chảy mùa kiệt năm 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực.

Đáng chú ý, các hồ thượng nguồn khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023, giai đoạn đầu mùa khô (12/2023-3/2024) có thể xả nước hạn chế, dòng chảy thấp làm tăng nguy cơ mặn xuất hiện sớm. Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương mùa khô 2015-2016 và 2019-2020.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng nhận định, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam Bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Mekong, đồng thời mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL là rất lớn. Do vậy, cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn.

Hạn, mặn ở ĐBSCL có thể tương đương mùa khô lịch sử 2015-2016 ảnh 1

Ảnh: Cảnh Kỳ.

Hàng trăm nghìn ha sản xuất nông nghiệp nguy cơ bị ảnh hưởng

Theo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, vụ lúa – tôm có tổng diện tích khoảng 162.000-170.000ha tại khu vực Bán đảo Cà Mau bắt đầu gieo lúa tháng 9/2023, thu hoạch lúa tháng 1/2024, sau đó thả tôm. Với dự báo mùa mưa kết thúc sớm, khả năng xảy ra thiếu nước khoảng trên diện tích 108.000ha (Kiên Giang 68.000ha, Cà Mau 40.000ha). Đây là vùng chủ yếu phải sử dụng nước mưa cho sản xuất.

Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, với trường hợp xâm nhập mặn như mùa khô 2015-2016, tại vùng ven biển có khả năng xảy ra thiếu nước, ảnh hưởng khoảng 66.000ha tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Còn cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng gần 43.300ha tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Các địa phương không bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn cũng cần đề phòng hạn hán, thiếu nước.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, vụ Đông Xuân 2023-2024, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,47 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn (giảm 20 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân 2022-2023).

Trong đó, xuống giống sớm trong tháng 10/2023 khoảng 375.000ha để né mặn tại vùng ven biển, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ. Trong tháng 11/2023 xuống giống khoảng 700.000ha và tháng 12/2023 xuống giống đợt tiếp theo 400.000ha trên toàn vùng.

Hạn, mặn ở ĐBSCL có thể tương đương mùa khô lịch sử 2015-2016 ảnh 2

Ngành chức năng khuyến cáo vùng ven biển xuống giống sớm để né mặn. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo Cục Trồng trọt, bố trí thời vụ sản xuất lúa năm cực đoan cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở.

Dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa Đông Xuân sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo trên sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn mùa khô 2015-2016.

Năm 2023, vùng ĐBSCL sản xuất hơn 3,8 triệu ha lúa, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt 62,8 tạ/ha, tăng hơn 0,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với năm 2022. Xuất khẩu gạo đến nay đã đạt gần 6 triệu tấn, giá trị 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng hơn 36% về giá trị so với cùng kỳ; giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 542 USD/tấn, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ lập kỷ lục.

MỚI - NÓNG